Hội làng Thị Cầu

20/10/2024 20:22 Số lượt xem: 183
Thị Cầu là một làng cổ nằm ở bờ nam sông Cầu, xưa là xã Thị Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng (nay là phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh).

Thị Cầu có nhiều nghề phụ như nghề rèn, làm cày bừa, nghề kim hoàn và buôn bán, do vậy việc sản xuất nông nghiệp ngày một bị thu hẹp. Thị Cầu có mối giao lưu bền chặt với các làng khác. Cụ thể là tục kết chạ Thị Cầu - Nam Ngạn; Thị Cầu - Cổ Mễ. Thị Cầu là một địa phương có nhiều vốn văn nghệ cổ truyền, có một phường tuồng, một phường bát âm nổi tiếng trong vùng. Đặc biệt, làng có đội trống Cổ Bộ có một không hai trong vùng.
Thị Cầu là địa phương có nhiều lễ hội. Hội thu từ mồng 7 đến 16 tháng 8 (âm lịch) với nhiều trò vui chơi, đặc biệt có tiết mục thi cỗ nghệ thuật. Hội xuân mở vào 20 tháng Giêng với tục hát Quan họ.
Chùa Điều Sơn, còn gọi là chùa Đèo nằm trên một ngọn núi. Người Thị Cầu gọi là núi Đèo. Theo văn bia để lại, chùa Điều Sơn được tu sửa nhiều vào thời Nguyễn. Chùa Điều Sơn là một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều công trình như Tam Quan, nhà tổ, nhà khách, bếp. Liền kề với chùa là di tích Đền Điều Sơn tạo thành một cụm di tích đền chùa Điều Sơn. Hàng năm ở Thị Cầu tổ chức hội chùa Điều Sơn vào 20 tháng Giêng với tục hát Quan họ.
Từ sáng sớm ngày khai hội, sau một hồi chuông dài vang lên, sau lễ nhập tịch mở cửa chùa, làng làm lễ Phật, lễ Thánh. Các bọn Quan họ lần lượt vào lễ Phật, lễ Thánh. Xong, họ tự tản ra tìm chỗ thích hợp hát đối đáp với nhau, các bọn Quan họ kết bạn với Quan họ Thị Cầu thì được mời về nhà chứa đón tiếp, mở các canh hát thâu đêm suốt sáng. Vào thời kỳ thịnh nhất (những năm đầu thế kỷ XX) Thị Cầu có 4 bọn Quan họ. Sân ông Chu Văn Vinh xóm Chu kết bạn với bọn nữ Điều Thôn (Đào Xá). Sân ông Ngô Thế Tình xóm Giải Áo kết bạn với bọn nữ Xuân Ái (Xói).  Sân ông Nguyễn Văn Soạn xóm Đông kết bạn với bọn nữ ở Điều Thôn (Đào Xá). Sân ông Nguyễn Văn Bảo, xóm Dừa kết bạn với một bọn nữ ở Đống Cao.
Nét đặc biệt ở Thị Cầu là chỉ có Quan họ liền anh do đặc điểm kinh tế và xã hội ở Thị Cầu, người phụ nữ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế gia đình, quanh năm chăn tằm ươm tơ, đi chợ buôn bán, còn nam giới Thị Cầu ở nhà nên có điều kiện chơi Quan họ. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ XX có hai liền chị Quan họ ở Điều Thôn kết tóc xe tơ cùng với hai liền anh Thị Cầu rồi lập thêm một sân Quan họ nữ gọi là sân trong để phân biệt với sân ngoài (sân vốn có của Thị Cầu).
“Sân Quan họ” là một khẩu ngữ mà các nghệ nhân Thị Cầu dùng để chỉ một tổ chức Quan họ cơ sở. Mỗi sân góm có 5 liền anh từ anh Hai đến anh Sáu. Về cơ sở vật chất để luyện tập, tiếp bạn, ở Thị Cầu thực hiện theo chế độ luân phiên. Đầu tiên là ở nhà anh Hai rồi mới đến các thành viên khác. Để có thể hoạt động được, Quan họ Thị Cầu kết bạn với Quan họ nữ ở các làng khác. Theo các nghệ nhân Thị Cầu cho biết thì có hai hình thức kết bạn. Hình thức kết bạn có hệ thống, tức là kết bạn truyền đời. Cụ thể, sân Quan họ kết bạn với bọn quan nữ ở Điều Thôn là truyền đời. Hình thức kết bạn thứ hai là kết bạn không có hệ thống, không truyền đời. Họ tự đi tìm bạn, gặp nhau ở một hội nào đó, hát với nhau thấy hợp thì sau đó làm các thủ tục để đi đến kết bạn. Thậm chí ở Thị Cầu có cụ Sáu Căn chơi với cụ Sáu Tương ở Y Na và kết với nhau thành một cặp chuyên đi hát ở các hội trong vùng.
Sinh hoạt văn hóa Quan họ ở hội chùa Điều Sơn cũng như ở các làng Quan họ khác làm cho hội chùa nổi lên bởi không khí Quan họ ấm áp nghĩa tình, mang nét đặc trưng của một vùng Quan họ. Từ sáng tinh mơ ngày 20 tháng Giêng, các liền anh, liền chị Thị Cầu tề tựu đông đủ ở nhà đăng cai. Đúng hẹn, Quan họ Điều Thôn, Đống Cao, Xuân Ái đi thẳng đến chùa Điều Sơn. Tại chùa, Quan họ Thị Cầu cử sẵn người đón tiếp. Đầu tiên, Quan họ chủ mời Quan họ khách vào chùa lễ Phật, sang đến lễ Thánh. Tại chùa hai bên chủ và khách hát chúc lẫn nhau. Sau đó chủ mời khách về nhà đăng cai nghỉ ngơi, ăn uống cùng nhau ca hát mừng hội, mừng bạn. Đến tối, hát canh mới chính thức bắt đầu theo đúng lề lối Quan họ. Ngoài ra, còn có các bọn Quan họ ở những làng xung quanh Bắc Ninh kéo đến chùa Điều Sơn để hát Quan họ. Đó là Quan họ Bồ Sơn, Khả Lễ,  Y Na, cứ từng tốp một (tốp nam của làng này hát với tốp nữ của làng kia) hát đối đáp với nhau đến khoảng sáu, bảy giờ tối.

Vân Giang