Cụm di tích lịch sử, cách mạng đình, đền, chùa Đồng Kỵ

25/10/2024 16:46 Số lượt xem: 110
Nằm soi mình bên bờ sông Ngũ Huyện Khê, trải qua thời gian, đến nay quần thể di tích đình, chùa phường Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn) vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, mang đậm bản sắc văn hóa của mảnh đất và con người vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc. Đây cũng là 1 trong 14 điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh.

Đình Đồng Kỵ được xây dựng từ thời Lý và trùng tu nhiều lần, nơi đây thờ Thành Hoàng làng là Đức Thánh “Thiên Cương” có công đánh giặc Ân vào thời Hùng Vương thứ 6. Theo các nguồn tư liệu thì xưa làng Đồng Kỵ có tên nôm là Cời có 3 đình thuộc 3 xóm Cời, Cọc, Cờ. Năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), 3 ngôi đình được nhập làm một. Niên đại Khải Định (1916 - 1925) đình được tu sửa lớn. Đến năm 1949 do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đình bị phá dỡ phần mái và toàn bộ sàn. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp còn đang ở giai đoạn quyết liệt thì vào năm 1951 dân làng đồng tâm hợp lực tu sửa đình như cũ. Trước đó đình có quy mô đồ sộ theo kiểu chữ Vương, sau chỉ còn hai tòa nối với nhau bằng dải ống muống thành di tích có mặt bằng hình chữ Công như hiện nay.

 

Rước pháo tại lễ hội Đồng Kỵ diễn ra ngày mồng 4 tháng Giêng hằng năm.

 

Đình làng Đồng Kỵ thờ Thiên Cương Đại Vương, vị thần có công giúp vua Hùng thứ Sáu đánh giặc Xích Quỷ. Khi giặc Xích Quỷ xâm lược nước ta, Thánh Thiên Cương đã huy động nhân dân thôn Đồng Kỵ đứng lên đánh thắng giặc xâm lược bảo vệ bờ cõi. Để tưởng nhớ công ơn của thần, hàng năm nhân dân Đồng Kỵ mở hội vào ngày mùng 4 tháng Giêng. Kiến trúc của đình Đồng Kỵ gồm tòa Tiền tế gồm 4 gian 2 chái, Hậu cung 5 gian 2 chái, kết cấu kiểu 4 mái, mỗi góc mái một đầu đao cong thanh thoát, toàn bộ khung đình được cấu trúc bằng gỗ, sàn đình cao 0,70m còn khá nguyên vẹn, các cấu kiện gỗ to khỏe, cột cái chu vi 1,8m, các bộ vì kèo theo kiểu thức thượng con chồng, hạ câu đầu, kẻ bẩy, đầu dư, kẻ với nghệ thuật chạm nổi, bong kênh và đề tài “tứ linh”, “tứ quý” có sự biến thể phong phú mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XVIII).
Đình Đồng Kỵ có nhiều hiện vật quí, trước cửa đình là hai rồng đá, 2 sư tử đá, có kích thước lớn được chạm từ tảng đá xanh nguyên khối. Hệ thống hoành phi câu đối cổ ở đình khá phong phú, bức đại tự “Mỹ tục, khả phong” do vua Tự Đức phong tặng cho làng Đồng Kỵ vào năm 1871 được treo ngay cửa đình. Trong đình, hầu hết các hiện vật đều có niên đại thời Lê và Nguyễn bao gồm: Kiệu bát cống, hương án gỗ, hạc gỗ, nồi hương gốm sứ, đỉnh đồng , bộ bát bửu, lọ độc bình… có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao.
Phía bên phải đình là chùa Đồng Kỵ. Căn cứ vào tư liệu hiện vật ở chùa thì Tây Am tự được xây dựng ở thời Lê (thế kỷ XVII). Trải qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử dân tộc, chùa được nhân dân địa phương quan tâm gìn giữ. Đến đầu những năm 1940 chùa vẫn tồn tại uy nghi trên khu đất đắc địa ven bờ sông Ngũ Huyện Khê. Chùa từng là cơ sở cách mạng của Trung ương Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa (1939 -1945). Chùa làng Đồng Kỵ là một công trình kiến trúc bề thế gồm nhiều tòa ngang, dãy dọc, hướng chính Tây Nam. Ngoài cùng là tòa gác chuông kiến trúc 2 tầng với 8 đầu đao cong vút, cách một khoảng sân nhỏ đến tòa Tam, bảo kết cấu kiểu chữ Đinh, bao gồm 7 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện liên kết, phía sau là tòa Hậu đường 7 gian. Nối giữa hai hồi tòa Tiền đường và Hậu đường là 2 dãy hành lang mỗi bên 7 gian đặt tượng La Hán. Các tòa này đều có chung một phong cách kiến trúc của nghệ thuật thời Nguyễn. Nghệ thuật chạm khắc phong phú, kì công tập trung ở các bức cốn, cửa võng, đầu dư tòa tiền đường, ở các tòa khác ngoài hệ thống kẻ tiền chạm rồng mây còn tất cả các bộ phận chủ yếu gia công soi gờ thẳng, bào trơn, đóng bén. Phía sau tòa hậu đường là 2 dãy hành lang mỗi bên 5 gian kiến trúc thời Nguyễn (dùng làm nhà khách) và trong cùng là nhà Tổ 5 gian (xây dựng năm 2003). Nằm đầu hồi bên phải nhà hậu đường là nhà Mẫu xây dựng năm 2002 có mặt bằng chữ Đinh, 5 gian và 3 gian Thượng điện liên kết.
Tại nhà khách chùa Đồng Kỵ (dãy bên phải chùa) hiện trưng bày những hiện vật như mâm đồng, khay mây, ấm chén… là những đồ dùng sinh hoạt khi các đồng chí Ban Thường vụ Trung ương Đảng hoạt động ở đây sử dụng những năm 1941, 1945. Chính căn nhà này đã là nơi hội họp, ăn nghỉ, soạn thảo những văn bản và diễn ra những cuộc họp quan trọng. Đặc biệt tại đây vào ngày 8 tháng 3 năm 1945, Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng họp, ban hành bản Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, sau phòng bị lộ Trung ương Đảng đã rút về cơ sở khác ở Đình Bảng họp tiếp. Nhà khách chùa Đồng Kỵ hiện là nơi tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị… Nhà khách vẫn giữ nguyên trạng với 2 ngăn, 1 bên dùng hội họp, một bên để nghỉ ngơi có cửa ngách thông ra vườn chùa và bờ sông để các đồng chí cách mạng ẩn tránh khi cần thiết.
Di tích đình, chùa Đồng Kỵ là nơi tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc tiêu biểu của nhân dân. Hội chùa được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tiêu biểu. Với giá trị tiêu biểu, cụm di tích đình, đền, chùa Đồng Kỵ đã được công nhận, cấp bằng di tích Quốc gia năm 1988. Về thăm khu di tích đình và chùa Đồng Kỵ, đứng dưới những tán cây cổ thụ xum xuê tỏa bóng, nhìn ngắm những lớp mái ngói đao cong uốn lượn duyên dáng sẽ không làm du khách thất vọng. Đến nơi đây, ngoài việc được thăm quan, tìm hiểu cụm di tích lịch sử đình, chùa Đồng Kỵ, du khách cũng có thể thăm quan làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ, thưởng thức nhiều món ăn ngon của Từ Sơn.

N.Đ (tổng hợp)