Hội làng Cổ Mễ

22/10/2024 20:25 Số lượt xem: 172
Cổ Mễ là một làng cổ nằm ven núi Kho, bên bờ sông Cầu. Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cổ Mễ còn gọi là xã Cổ Mễ thuộc tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng. Ngày nay Cổ Mễ thuộc phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh.

Từ xa xưa, cư dân nơi đây đã có nghề trồng lúa nước. Tương truyền rằng: Bà Chúa Kho vốn xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở Quả Cảm. Vốn hay lam, hay làm, sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất nơi đây bị bỏ hoang nhiều nên bà xin với nhà vua cho đi chiêu dân lập ấp. Bà chiêu dân quanh vùng đến lập đồn điền, chỉ bảo họ cày cấy. Ngoài ra, bà còn đưa số tù binh Chàm do nhà Lý bắt được sau mỗi cuộc chiến tranh về đây làm ruộng. Sau mỗi vụ thu hoạch, thóc từ các làng được đưa về tập trung ở hai kho lớn là Cổ Mễ và Thượng Đồng. Vì lẽ đó, Thượng Đồng mang tên làng Lẫm, núi Cổ Mễ còn gọi là núi Kho. Sau khi bà qua đời, dân làng Cổ Mễ lập đền thờ bà gọi là Đền bà Chúa Kho và hằng năm tế lễ bà vào ngày 10 tháng Giêng.
Cùng với tín ngưỡng thờ bà Chúa Kho, làng Cổ Mễ còn có tục thờ Thành hoàng làng. Thành hoàng làng Cổ Mễ là Đức Thánh Tam Giang (Trương Hống - Trương Hát) các vị đã có công giúp Triệu Quang Phục đánh giặc Lương và sau này lại hiển linh phù giúp cho Thái úy Lý Thường Kiệt làm nên chiến thắng Như Nguyệt. Sau này làng còn thờ một ông quan võ người gốc Cổ Mễ, họ Nguyễn, tự là Phúc Hải.
Cùng với các vị thần được thờ ấy là những di tích vật chất. Trước tiên phải kể đến chùa Cổ Mễ. Tương truyền chùa được xây dựng vào thời Lê, được trùng tu lớn vào thời Nguyễn, có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh truyền thống gồm 5 gian 2 chái và một hậu cung. Đặc biệt trong chùa còn 3 pho tượng bằng đá quý.
Đình Cổ Mễ được xây dựng vào năm 1681 có kiến trúc theo kiểu chữ Nhất,  không có hậu cung và tiền tế, chỉ có một dãy đại đình. Đây là một công trình kiến trúc khá độc đáo bởi lẽ hậu cung của đình không xây chìa hẳn ra đằng sau như hầu hết các ngôi đình khác mà chỉ xây thẳng tường hậu lên và bàn thờ lui vào hàng cột cái của đình ở gian trung tâm. Đình bao gồm 5 gian, hai chái. Trên phần khung gỗ của đình đục chạm hàng loạt tác phẩm nghệ thuật tố hảo gồm những bức cốn sinh động những hình rồng ổ, hình rồng mây đại hội, bức cửa vòng tựa bức tranh liên hoàn, nét đục chạm tỉnh xảo đến từng chi tiết nhỏ. Đặc biệt tại đình còn lưu giữ 8 văn bia.
Cổ Mễ còn có đền Bà Chúa Kho, tương truyền có từ thời Lý, khởi thủy là một ngôi miếu nhỏ. Miếu Tiên Cô thờ bà Chúa Kho là người có công lao chiêu dân lập ấp, tích trữ lương thực, góp phần vào cuộc kháng chiến chống Tống. Sau đó vào thời Lê, đền được xây dựng với qui mô lớn, bao gồm: cổng Tam Quan, sân đền, hai dải vũ và ba tòa nhà nằm trên một trục dọc theo thứ tự: Tiền tế, cung đệ nhị và hậu cung. Trải qua thời Pháp thuộc rồi chiến tranh, khu đền đã bị tàn phá. Từ khi được Nhà nước công nhận, toàn bộ cụm di tích lịch sử văn hóa đình - đền - chùa được tu bổ, xây dựng lại khang trang.
Theo tục lệ xưa, một năm làng có 3 sự lệ chính: Kỷ niệm ngày mất Bà Chúa Kho vào ngày 10 tháng Giêng; Hội chùa vào ngày 15 tháng Giêng; Hội đình vào ngày 10 tháng 8 âm lịch.
 Hội chùa 15 tháng Giêng là ngày hội làng. Hội bắt đầu từ ngày 14 với nghi thức dựng cây phướn để làm lễ nhà Phật như dâng hương, cúng Tam Bảo sau đó các vãi tổ chức làm trò nhà Phật. Ngày 15 là ngày chính hội. Các vãi trong làng tập trung làm cơm nhà Phật và tổ chức đón khách thập phương đến lễ Phật. Sau khi khách vào tới chùa, các cụ bà trong làng có nhời mời. Đôi bên hát chúc lẫn nhau theo lệ tục chung của Quan họ sau đó mời khách ngồi xuống chiếu hát đối đáp với nhau. Các bọn Quan họ Hữu Chấp thì được mời vào nhà chứa hát canh đến đêm khuya mới nghỉ. Trong dịp này, làng mở các trò chơi như đu, kéo co. Hội đình Cổ Mễ tùy điều kiện kinh tế hàng năm của làng mà tổ chức to hay nhỏ. Nhưng bao giờ cũng có tục rước nước. Các cụ chọn những thanh niên khỏe mạnh chưa chồng, chưa vợ tuổi từ 18 đến 25 khiêng kiệu, bên trong có chóe dùng để đựng nước ra bờ sông Cầu. Sau đó 4 thanh niên (2 nam, 2 nữ) khiêng chóe xuống thuyền, chèo ra giữa sông để lấy nước, rước về đình dùng cho cả năm.
Trải qua thời gian, hội đình, hội chùa Cổ Mễ không được tổ chức. Từ năm 1989, cụm di tích đình - đền - chùa được công nhận di tích lịch sử, làng Cổ Mễ mới chính thức mở hội. Cả 3 tiết lệ nhập làm một, làng tổ chức hội làng vào 14 tháng Giêng hàng năm (còn các ngày khác chỉ làm lệ).

Vân Giang