Những đóng góp của đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

27/01/2015 15:34 Số lượt xem: 18
Bắc Ninh là một tỉnh giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, vùng đất địa linh nhân kiệt. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, nhiều thanh niên, học sinh yêu nước Bắc Ninh đã sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng và sau này trở thành những lãnh tụ xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, tiêu biểu như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt....

Năm 1926, sau một thời gian dự lớp huấn luyện ở Bản Đáy (Trung Quốc) đồng chí Ngô Gia Tự đã về nước và tích cực hoạt động, được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng chí đã về làng Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh tuyên truyền giác ngộ, thành lập chi hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, tiếp đó là lập các chi hội ở các làng Phật Tích (Tiên Du), Lạc Thổ (Thuận Thành), Tiền An- Vệ An (Bắc Ninh)....

Bằng hoạt động tích cực của các chiến sỹ cộng sản, phong trào cách mạng ở Bắc Ninh không ngừng phát triển và lan rộng, nhiều cơ sở Hội ra đời tại các làng Tam Sơn (Từ Sơn), Phật Tích (Tiên Du), Lạc Thổ (Thuận Thành), Niềm Xá- Vệ An- Đáp Cầu- Thị Cầu (thị xã Bắc Ninh)... Ngày 4-8-1929 tại núi Hồng Vân (núi Lim, Tiên Du) Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh-Bắc Giang được thành lập (sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1930 được đổi thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bắc Ninh- Bắc Giang).

Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh-Bắc Giang được thành lập đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phong trào cách mạng Bắc Ninh, Bắc Giang. Từ đây phong trào cách mạng phát triển sang một giai đoạn mới.

Trong cao trào cách mạng 1930- 1931; 1936-1939, Bắc Ninh đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, phong trào đấu tranh chống chính sách áp bức bóc lột của thực dân Pháp bùng lên mạnh mẽ, tiêu biểu như phong trào đấu tranh chống thuế, chống phù thu lạm bổ của nông dân làng Liễu Ngạn, Thuận Thành (1938) buộc chính quyền thực dân phong kiến phải nhượng bộ.

Đến cuối năm 1941, Đảng bộ Bắc Ninh đã có 3 chi bộ Liễu Khê (Thuận Thành), Đình Bảng, Cẩm Giang-Trang Liệt (Từ Sơn) và được Trung ương cho phép thành lập Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, nhiều địa phương trong tỉnh trở thành An toàn khu (ATK) của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc kỳ; nhân dân Bắc Ninh đã bảo vệ an toàn nhiều lớp huấn luyện, hội nghị của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 12-3-1945, tại Đình Bảng (Từ Sơn), Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng đã ra Chỉ thị: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Từ đó cao trào kháng Nhật bùng nổ mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

Sau Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh xây dựng củng cố chính quyền các cấp, các tổ chức quần chúng, tăng cường lực lượng tự vệ, bảo vệ chính quyền cách mạng, đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ và anh dũng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bắc Ninh đã đoàn kết đấu tranh phá tan các âm mưu thâm độc của địch, chống xây bốt, lập tề; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực phá tan nhiều trận càn lớn, nhỏ, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Bắc Ninh đã hưởng ứng tích cực các phong trào… và giành nhiều kết quả quan trọng, góp phần cùng cả nước đánh bại 4 chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng Mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dich vu seo Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh được Đảng, Nhà nước phong tặng đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;  37 tập thể và 19 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 13 tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 943 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam Anh hùng".

Trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đã khắc phục khó khăn vươn lên tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội; thực hiện tốt Chỉ thị số 100- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 10-NQ của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, kinh tế - xã hội Bắc Ninh đã có bước phát triển khá toàn diện. Góp phần xứng đáng thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Trải qua 85 năm xây dựng và trưởng thành từ lúc có hơn 20 đảng viên đến nay đảng bộ đã có 49.879 đảng viên sinh hoạt ở 601 tổ chức cơ sở đảng thuộc 12 đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ. Với truyền thống đoàn kết đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phát huy truyền thống của quê hương văn hiến và cách mạng, sau 17 năm tái lập Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực:

Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định (giai đoạn 1997- 2012, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,1%/năm); cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại; công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngày càng được cải thiện, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định; công tác xây dựng Đảng và chính quyền luôn được chú trọng củng cố, kiện toàn, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân, giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; các hoạt động văn hóa, xã hội tiếp tục được đầu tư phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện… Đặc biệt trong giai đoạn 2011- 2015, mặc dù kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tiếp tục chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định và tăng trưởng cao. Ước tính tăng trưởng bình quân 5 năm giai đoạn 2011-2015 sẽ đạt 18,1% (theo giá so sánh năm 2010).

Nguồn: (Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Xây dựng đảng