Bảo vệ môi trường xanh, phát triển bền vững

04/10/2024 14:15 Số lượt xem: 62
Thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2025, thời gian qua, ngành Nông nghiệp triển khai nhiều kế hoạch, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững với nhiều kết quả nổi bật.

Qua 5 năm, ngành Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung an toàn, năng suất, chất lượng và giá trị cao; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; tập huấn, tuyên truyền và xây dựng nhiều mô hình sản xuất trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ; áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), ứng dụng công nghệ cao; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ an toàn; thu gom phế phụ phẩm cây trồng để sử dụng cho mục đích khác; xử lý chất thải trong chăn nuôi... Ngoài ra, Ngành đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản.
Kết quả, công tác thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong các hoạt động nông nghiệp và xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn có nhiều chuyển biến tích cực. Ước tính có 100% thân cây ngô tươi; 30% rơm rạ; 40% phụ phẩm trên cây hằng năm khác; 30% phụ phẩm trên cây lâu năm được tận dụng tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, làm nấm, ủ phân hữu cơ, ủ gốc giữ ẩm. Nhờ thu hoạch bằng máy, 70% rơm rạ được trả lại ngay trên đồng ruộng thành nguồn phân hữu cơ… giúp gia tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Toàn tỉnh hình thành hơn 60 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích 34,9 ha; 34 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, tổng diện tích 236,3 ha đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng nông sản an toàn. Trong chăn nuôi, các phương pháp xử lý chất thải được sử dụng rộng rãi gồm: công nghệ khí sinh học biogas, thu gom, ủ bằng chế phẩm sinh học, máy ép tách phân... Trong đó, 95% cơ sở chăn nuôi trâu bò, lợn sử dụng công nghệ khí sinh học biogas xử lý nước thải; 10 trang trại nuôi lợn quy mô lớn sử dụng máy ép tách phân vừa xử lý nước thải vừa tạo ra nguồn phân bón cho cây trồng.

 

Sử dụng máy cuốn rơm sau thu hoạch giúp giảm tình trạng đốt rơm gây ô nhiễm môi trường tại xã Phú Hòa (Lương Tài).


Ngoài ra, nhiều địa phương phát triển và mở rộng các mô hình nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn mang lại hiệu quả cao như: Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có liên kết tiêu thụ; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp trồng nấm; trồng cỏ kết hợp nuôi bò thịt, bò sinh sản; nuôi bò - trùn quế - cỏ/ngô/cây ăn quả - gia súc, gia cầm - cá, nuôi cá “sông trong ao”, xen canh lúa - cá đem lại nguồn thu nhập cao hơn từ 5-10 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với chỉ trồng lúa...
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường vẫn còn một số hạn chế. Nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng tại địa phương, tình trạng lãng phí các phế, phụ phẩm cây trồng, vật nuôi vẫn phổ biến. Một số hộ dân còn đốt rơm rạ trên đồng ruộng; ý thức thu gom vỏ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật chưa cao. Việc xử lý chất thải chăn nuôi ở nhiều cơ sở, trang trại chưa triệt để, nước thải được xả trực tiếp ra môi trường, ao, hồ gây ô nhiễm. Chi phí cho việc xử lý chất thải khá cao nên không ít người chăn nuôi thường bỏ qua khi đầu tư...
Để tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương và chính sách hỗ trợ của tỉnh liên quan đến sản xuất an toàn; ứng dụng công nghệ cao, hiện đại... Hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vận động nông dân thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; xử lý phụ phẩm nông nghiệp (nhất là rơm rạ) sau thu hoạch. Chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm cây trồng phù hợp với quy mô, tính chất của từng loại hình sản xuất; khuyến khích phát triển các công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải, phụ phẩm phát sinh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn và nhân rộng ra toàn tỉnh.

Song Giang

Kinh Tế