Đột phá về thể chế

01/11/2024 20:54 Số lượt xem: 24
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ: Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân.

Luật Đầu tư công được Quốc hội thảo luận, sửa đổi tại Kỳ họp này thể hiện tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ sẽ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát. Việc sửa đổi Luật cũng nhằm bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin - cho”…
Trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Bắc Ninh giàu mạnh, cùng với chính sách “Trải thảm đỏ”, “dọn tổ đón đại bàng”, Thường trực Tỉnh ủy luôn coi công tác xúc tiến đầu tư là một “kênh” ngoại giao kinh tế quan trọng nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư. Nhằm thu hút được các Tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới (vốn đầu tư FDI) vẫn được ví von là những chú “đại bàng” về làm tổ, các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư ngay chính tại Đại bản doanh của các Tập đoàn với những cam kết, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù. Ngoài việc phối hợp với các cơ quan Trung ương có thẩm quyền xem xét áp dụng các chính sách ưu đãi, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh chủ động tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của tỉnh. Với việc thu hút vốn đầu tư từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn, năm 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bắc Ninh đạt gần 40 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội.
Cuối tháng 9 vừa qua, tại thành phố Phonenix, bang Arizona (Hoa Kỳ), tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và GLobal Chamber tổ chức Hội nghị Tọa đàm xúc tiến đầu tư với chủ đề “Bắc Ninh - Cứ điểm sản xuất lý tưởng tại Việt Nam” thu hút hơn 100 doanh nghiệp Hoa Kỳ và một số Doanh nghiệp quốc tế có trụ sở tại Mỹ. Trực tiếp giải đáp, làm rõ một số ý kiến của các doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Lãnh đạo tỉnh luôn sẵn sàng tạo mọi điệu kiện tốt nhất cho các danh nghiệp đầu tư vào Bắc Ninh. Cam kết sẽ đồng hành, xử lý nhanh nhất về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, an ninh, an toàn tài sản và các dịch vụ công tiện ích. Ngoài việc bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch… cho nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh cũng chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.
Tại buổi làm việc của Đoàn Công tác tỉnh Bắc Ninh với Tập đoàn Amkor, lãnh đạo Tập đoàn chân thành cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh về việc mở lối tắt vào cổng chính của Công ty Amkor Technology Việt Nam, (Khu công nghiệp Yên Phong II-C); chỉ đạo các Sở, ngành chức năng lựa chọn chủ đầu tư để sớm triển khai xây dựng khu nhà ở xã hội, khu ký túc xá cho người lao động. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Tập đoàn nghiên cứu và tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư vào Bắc Ninh, hỗ trợ tỉnh trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực về chíp bán dẫn, ưu tiên sử dụng lao động người Bắc Ninh nói riêng và các tỉnh của Việt Nam. Chú trọng bồi dưỡng và sử dụng sau đào tạo lực lượng lao động này vào các vị trí quan trọng của Tập đoàn.
Bằng sự mạnh dạn, quyết liệt đột phá về thể chế, chính sách, Bắc Ninh từ một tỉnh thuần nông khi mới tái lập (1997) đến nay trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước, là 1 trong 4 cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng. Năm 2023, GRDP toàn tỉnh đạt mức 220.222 tỷ đồng xếp thứ 4/11 tỉnh/thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng (tăng 4 bậc so với năm 1997) và xếp thứ 9 cả nước. Với việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế qua các năm (đặc biệt giai đoạn 1997-2022 đạt mức tăng trưởng khoảng 13%/năm). Đến năm 2024, ngành công nghiệp - xây dựng đóng vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh: Công nghiệp - xây dựng chiếm 70,7%; dịch vụ chiếm 22,4%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,9%. Năng suất lao động chung toàn tỉnh tăng từ 4 triệu đồng/lao động năm 1997 lên 285,4 triệu đồng/lao động năm 2023, tăng gấp 71 lần.

Đào Khoa

Diễn đàn công luận