Bảo đảm ATTP trong tình hình mới: Hạn chế ở đâu, khắc phục ở đó!

01/12/2023 16:09 Số lượt xem: 202
Số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chiếm tỉ lệ lớn; công tác kiểm soát độ an toàn và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại các chợ còn gặp nhiều khó khăn; việc xây dựng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn chậm… là những khó khăn, thách thức đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay. Làm sao để bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới luôn là trăn trở của lãnh đạo Ban Quản lý ATTP tỉnh trong nỗ lực hướng tới mục tiêu Bắc Ninh không còn thực phẩm không an toàn. Phóng viên Báo Bắc Ninh đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh về vấn đề này.

Trưởng Ban Quản lý ATTP tỉnh Nguyễn Vinh Thanh thẩm định điều kiện ATTP tại Trung tâm thương mại Dabaco Từ Sơn.

 

PV: Nhìn lại 6 năm hoạt động thí điểm của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh, ông đánh giá thế nào về hiệu quả triển khai mô hình?

Ông Nguyễn Vinh Thanh: Trước hết tôi phải khẳng định rằng để nói về hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý ATTP tỉnh trong 6 năm thí điểm vừa qua khó có thể gói gọn trong một câu trả lời. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban, có thể thấy sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm ATTP thời gian qua. Trước tiên, việc thành lập Ban là cơ sở tập trung một đầu mối cơ quan cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý ATTP; công tác tham mưu được chủ động, trách nhiệm; việc xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm ATTP được nhanh chóng, kịp thời, tránh chồng chéo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi làm các thủ tục hành chính… So sánh kết quả chuyên môn về bảo đảm ATTP trong 6 năm vừa qua và 5 năm trước đó (2012-2017) cho thấy công tác truyền thông trực tiếp và gián tiếp được mở rộng quy mô, đa dạng về hình thức với nhiều kênh thông tin, do đó tiếp cận được đến đông đảo người dân và chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ban đã tổ chức 3 cuộc điều tra, đánh giá kiến thức, thực hành của người quản lý, người sản xuất chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm nhằm đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền về ATTP vào các năm 2018, 2020, 2022, so sánh kết quả giữa các năm 2018 và 2022 cho thấy kiến thức và thực hành về ATTP của các nhóm đối tượng được khảo sát tăng lên rõ rệt với tỉ lệ tăng từ gần 13% đến gần 55%.

Công tác rà soát, phân loại, quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh được Ban thực hiện xuyên suốt theo tuyến, từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã, bảo đảm các cơ sở đều được quản lý, kiểm soát về ATTP; triển khai có hiệu quả phần mềm “Hệ thống thông tin quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh”. Toàn tỉnh hiện có gần 10,7 nghìn cơ sở hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó gần 10,4 nghìn cơ sở được cấp giấy chứng nhận/ký bản cam kết bảo đảm ATTP, đạt hơn 97%, tăng 38% so với cùng kỳ giai đoạn trước.

Từ tháng 4-2018 đến tháng 7-2023, các đoàn thanh tra, kiểm tra của 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã thanh, kiểm tra hơn 15,6 nghìn lượt cơ sở, trong đó 77,5% tổng số cơ sở đạt. Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra giảm về số lượt nhưng tỉ lệ cơ sở đạt tăng 8%, số tiền xử phạt tăng hơn 1,9 lần, số tiền phạt trung bình/cơ sở tăng khoảng 3 lần, số tiền xử phạt tại tuyến huyện, xã tăng khoảng 6,6 lần; công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, đột xuất được tập trung đẩy mạnh và có hiệu quả rõ rệt…

PV: Quả là những con số “biết nói”! Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm được coi là hoạt động quan trọng trong công tác bảo đảm ATTP nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn lưu thông trên thị trường. Vấn đề này được thực hiện ra sao trong những năm qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Vinh Thanh: Đúng vậy, công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm còn là căn cứ để khuyến cáo tới chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, cũng như định hướng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, góp phần giảm thiểu các sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trong gần 6 năm, Ban Quản lý đã tiến hành lấy gần 58,5 nghìn mẫu thực phẩm đủ các nhóm để kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP. Kết quả, số mẫu đạt chiếm hơn 89%. So sánh với cùng kỳ giai đoạn trước, tổng số mẫu giám sát mối nguy tăng khoảng 2,8 lần, tỉ lệ mẫu đạt tăng 8,8%. Kết quả giám sát mối nguy này là căn cứ quan trọng để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm bảo đảm ATTP cho cộng đồng. Đối với các mẫu kiểm nghiệm có chỉ tiêu không bảo đảm theo quy định là sản phẩm thực phẩm có địa chỉ cơ sở sản xuất thuộc các tỉnh, thành khác, Ban Quản lý ATTP tỉnh thông tin đến Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố nơi có cơ sở sản xuất sản phẩm để thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với các sản phẩm thực phẩm có cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc địa bàn tỉnh, Ban thành lập đoàn thanh tra đột xuất, thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm theo quy trình thanh tra và xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông tin tới các sở, ban, ngành, địa phương để phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết và không sử dụng.

Đối với các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn sản xuất tại địa bàn tỉnh khi có thông báo của các tỉnh, thành phố khác, Ban thành lập đoàn thanh tra đột xuất tiến hành thanh tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phối hợp xác minh làm rõ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

Tập huấn sử dụng kit test nhanh cho thành viên Ban Quản lý các chợ trong kiểm soát thực phẩm.

 

PV: Kết quả tốt hẳn lên không có nghĩa là đã hết khó khăn, đặc biệt là khi số cơ sở tham gia vào lĩnh vực thực phẩm trên địa bàn tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ lẻ. Còn những thách thức nào nữa trong công tác quản lý ATTP chúng ta phải đối mặt và cần giải quyết, thưa ông?

Ông Nguyễn Vinh Thanh: Khó khăn trong kiểm soát thực phẩm vẫn luôn là thách thức với công tác bảo đảm ATTP, đặc biệt khi mà tỉ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh chiếm tới 86%; một số địa phương có khu, cụm công nghiệp phát triển có các cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tự phát, hoạt động chủ yếu vào ban đêm, chưa có quy hoạch, khó khăn trong quản lý, kiểm soát.

Việc kiểm soát độ an toàn và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại các chợ cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn gốc thực phẩm đa dạng, phong phú từ các nơi trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có chợ đầu mối nên khó khăn trong kiểm soát thực phẩm từ ngoại tỉnh.

Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, đối với các sản phẩm tự công bố, tổ chức cá nhân gửi về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi tự công bố; do đó có hiện tượng các cơ sở sản xuất thực phẩm tự công bố một cách ồ ạt, nhiều sản phẩm chưa được kiểm soát đã đưa ra thị trường, ý thức của cơ sở trong việc chịu trách nhiệm về các sản phẩm tự công bố chưa cao, sản xuất sản phẩm theo mùa vụ hoặc theo đơn đặt hàng. Khi thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm không lấy được mẫu do các sản phẩm này không còn sản xuất, kinh doanh. Xử lý vi phạm cũng khó khăn do nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không có khả năng nộp phạt, hoặc không nộp phạt…

PV: Theo ông, cần những giải pháp trước mắt và lâu dài như thế nào để biến những thách thức đó thành động lực, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới theo đúng tinh thần của Chỉ thị 17/CT-TW của Ban Bí thư T.Ư?

Ông Nguyễn Vinh Thanh: Chỉ thị 17/CT-TW đã khẳng định an ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc. Tôi cho rằng, việc nhận diện, phân tích những hạn chế, bất cập là yếu tố quan trọng để có định hướng và giải pháp phù hợp, hiệu quả bởi hạn chế, bất cập ở đâu sẽ từng bước khắc phục ở đó.

Dù là trước mắt hay lâu dài, công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi thực hành cần được đặt lên hàng đầu. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP cần được đổi mới và đa dạng hoá hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, ATTP, tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hoá không bảo đảm chất lượng và an toàn.

Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe. Tăng tính chuyên nghiệp trong quản lý chất lượng thực phẩm từ khâu sản xuất ban đầu bằng việc tập trung quy hoạch vùng sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, khu giết mổ tập trung, ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; khuyến khích việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng… Phát huy hơn nữa vai trò của các HTX trong việc liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng… Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm… Đây là giải pháp, song cũng chính là mục tiêu cần quyết tâm chính trị rất lớn của các cấp, ngành, địa phương.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Hoa (thực hiện)

An toàn thực phẩm