Chú trọng kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm

13/10/2024 20:06 Số lượt xem: 55
Kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm (ATTP) đóng vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản. Đây cũng là giải pháp phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, góp phần phòng, chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Cán bộ Đội Thanh tra - Quản lý ATTP thành phố Từ Sơn kết hợp kiểm tra, hướng dẫn quy định về bảo đảm ATTP với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.


Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP được coi là đột phá trong phương thức kiểm soát ATTP khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi giảm bớt thủ tục hành chính, song vẫn yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm được công bố. Giai đoạn trước tháng 4-2018, các sở, ngành không thực hiện lấy mẫu giám sát hậu kiểm về ATTP, sau khi Ban Quản lý ATTP tỉnh được thí điểm thành lập và Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, công tác kiểm tra, hậu kiểm được Ban triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Hằng năm, công tác kiểm tra, hậu kiểm về ATTP được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào nhóm sản phẩm, sản phẩm thuộc diện tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra và kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Trong 6 năm kể từ khi hoạt động thí điểm, Ban Quản lý ATTP tỉnh tiến hành lấy 752 mẫu thực phẩm để thực hiện kiểm nghiệm sau công bố và tự công bố. Kết quả, số mẫu đạt chiếm 93%; 7% số mẫu không đạt. Các mẫu không đạt chủ yếu là chỉ tiêu vi sinh vật đối với sản phẩm nước uống tinh khiết, đá dùng liền... Cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý, xử phạt 53 cơ sở có mẫu hậu kiểm không đạt với tổng số tiền hơn 606 triệu đồng; ra quyết định thu hồi và thông báo dừng lưu thông toàn quốc đối với 3 sản phẩm thực phẩm chức năng.
Liên quan đến công tác kiểm tra, hậu kiểm, chỉ trong nửa đầu năm 2024, toàn tỉnh thành lập 266 đoàn kiểm tra, hậu kiểm về ATTP, tiến hành kiểm tra gần 1.200 cơ sở, trong đó tỷ lệ đạt chiếm 87%; tiến hành xử lý 22 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 124 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 1 sản phẩm. Các lỗi vi phạm được tiến hành xử phạt liên quan như: Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước trong chế biến suất ăn công nghiệp; buôn bán thực phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm nhưng không có hồ sơ tự công bố theo quy định; bảo quản thực phẩm không đúng quy định; buôn bán thực phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp bị ứ đọng, không được che kín; thực hiện không đúng quy định về chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; chế biến thực phẩm trên thiết bị không bảo đảm vệ sinh; nơi chế biến có côn trùng và động vật gây hại xâm nhập…
Qua khảo sát và thực tế kiểm tra, hậu kiểm cho thấy, nhận thức, ý thức thực hành của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có vi phạm trong quá trình kiểm tra đã được các đoàn kiểm tra xử lý kịp thời, đúng quy định. Việc thực hiện công tác kiểm tra, hậu kiểm được triển khai theo kế hoạch được phê duyệt, đúng hướng dẫn tại các văn bản của tỉnh; tuy nhiên trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở mới đăng ký hoạt động trong năm, cơ sở cung cấp suất ăn với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh nhưng không được phê duyệt trong danh sách được thanh tra, kiểm tra nên khó đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP đối với các đơn vị này. Hoạt động quản lý ATTP ở cấp xã, phường còn hạn chế; chính quyền cơ sở một số địa phương chưa chủ động vào cuộc, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tại cấp xã còn hạn chế về chuyên môn, thiếu về số lượng, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Việc kiểm soát chất lượng, ATTP càng khó khăn do tỉ lệ cơ sở nhỏ lẻ chiếm đến 86% tổng số cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm.
Việc quản lý các sản phẩm tự công bố thông qua hoạt động hậu kiểm còn gặp khó khăn, tỉ lệ được lấy mẫu hậu kiểm sau công bố, tự công bố còn thấp. Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định, đối với các sản phẩm tự công bố, tổ chức cá nhân gửi về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi tự công bố, do đó có hiện tượng các cơ sở sản xuất thực phẩm tự công bố một cách ồ ạt, nhiều sản phẩm chưa được kiểm soát đã đưa ra thị trường, sản xuất theo mùa vụ hoặc theo đơn đặt hàng. Khi thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm không lấy được mẫu do các sản phẩm này không còn sản xuất, kinh doanh. Công tác xử lý vi phạm cũng khó khăn do nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không có khả năng nộp phạt, hoặc không nộp phạt. Một số cơ sở tự công bố sản phẩm tại tỉnh Bắc Ninh nhưng thực tế đi kiểm tra cơ sở không sản xuất, không kinh doanh, chỉ là văn phòng đại diện hoặc có sản xuất, kinh doanh nhưng số lượng sản phẩm rất ít so với số lượng hồ sơ công bố/tự công bố đã nộp lên Ban Quản lý ATTP dẫn đến khó khăn trong việc quản lý các sản phẩm sau công bố đối với cơ quan quản lý.  
Để tăng cường bảo đảm ATTP, việc quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cần được thực hiện ở tất cả các tuyến thông qua nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm… Song song, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức và hành vi của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng.

Việt Hoa

An toàn thực phẩm