Xây dựng thói quen đọc sách để trở thành người học suốt đời

03/10/2024 19:32 Số lượt xem: 196
Học tập thường xuyên, học tập suốt đời là niềm mong mỏi, mục tiêu hướng đến của toàn xã hội. Với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”, Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024 nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa đọc và lan tỏa thông điệp, mỗi cá nhân dù ở bất kỳ ngành nghề, cương vị công tác nào cũng cần ra sức rèn luyện kỹ năng đọc, tạo thói quen đọc và biến việc đọc trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Năng lực tự học, tự đọc là nền tảng của việc học tập suốt đời, nền tảng của xã hội học tập. Trong xu thế biến đổi nhanh chóng của thế giới, mỗi cá nhân đều đang sống trong thời đại có khả năng tiếp cận với lượng thông tin dồi dào và sự phát triển vũ bão của công nghệ. Do đó, học tập suốt đời là hoạt động quan trọng, cốt lõi giúp mỗi cá nhân hòa nhập và thích ứng trong bối cảnh xã hội mới với những cơ hội và thách thức hiện nay. Học tập suốt đời là một hình thức học tập do bản thân mỗi người tự ý thức, tự định hướng, chủ động lựa chọn phương pháp học tập độc lập, có kỹ năng tự học, tự đọc nhằm phát triển và hoàn thiện bản thân. Để trở thành người học suốt đời trong thế kỷ 21, mỗi người cần trang bị rất nhiều kỹ năng trong đó khả năng tự học và xây dựng được thói quen đọc sách chính là nền tảng bền vững.
Chủ động học ngoại ngữ để phát triển bản thân cùng với ý thức luôn trau dồi đạo đức, lối sống, bồi đắp truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, em Phan Bảo Chi, học sinh lớp 11A7, trường THPT Hoàng Quốc Việt (thành phố Bắc Ninh) chia sẻ: Em rất yêu thích đọc sách. Sách đưa em tới thế giới rộng lớn, trở về quá khứ, bay tới tương lai và càng thêm yêu những trang sử hào hùng của dân tộc. Cuốn sách em thích nhất là “Tuổi thơ dữ dội” của tác giả Phùng Quán. Đọc tác phẩm em không chỉ ấn tượng và cảm động bởi những tâm hồn trong sáng vô tư, bởi sự dũng cảm kiên cường của các nhân vật thiếu niên trong truyện như Lượm, Vịnh Xưa, Quỳnh Sơn Ca... mà còn được hiểu thêm về tình yêu quê hương, đất nước. Em hiểu rằng, bản thân cần nỗ lực học tập không ngừng, luyện rèn và hoàn thiện để góp sức nhỏ bé của mình đưa Việt Nam phát triển thịnh vượng, sánh ngang với các cường quốc năm châu...

 

Rèn luyện năng lực tự học, tự đọc là nền tảng của việc học tập suốt đời.

 

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh quan tâm chỉ đạo phát triển mở rộng không gian đọc trong nhà trường, tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như: “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “tủ sách lớp học”, “thư viện lưu động”, “thư viện điện tử”… Được bố mẹ, thầy cô hướng dẫn và tập cho thói quen đọc sách từ nhỏ thông qua nhiều hoạt động bổ ích như kể chuyện, vẽ tranh theo sách, em Trần Bảo Châu, học sinh Trường Tiểu học và THCS Trần Quốc Toản (thành phố Bắc Ninh) bày tỏ: Đọc sách giúp em giải tỏa căng thẳng sau những giờ học tập trung và học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích. Hằng ngày, em đọc sách cùng bố mẹ ở nhà, còn ở trường em được thầy cô hướng dẫn đọc sách tại thư viện.
Thúc đẩy người dân học tập suốt đời, hướng đến xây dựng xã hội học tập, nhiều giải pháp được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, đoàn thể trong tỉnh triển khai như: Nhân rộng mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”...; huy động các nguồn lực tham gia phát triển văn hóa đọc; biểu dương, tôn vinh, ghi nhận các gia đình, dòng họ và cá nhân điển hình, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo; tổ chức phong phú hoạt động khuyến đọc, khuyến khích các thế hệ tham gia nhân dịp kỷ niệm: Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Ngày Người cao tuổi Việt Nam…

 

Học sinh Trường Tiểu học Tiền An (thành phố Bắc Ninh) giới thiệu sách hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024.


Nhấn mạnh vai trò của mô hình “Gia đình học tập”, Nhà giáo Ưu tú Đặng Ngọc Chỉnh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tiên Du cho biết: Chúng tôi nhận thấy vai trò của mô hình “Gia đình học tập” rất quan trọng, bởi đó là hạt nhân nòng cốt vì có nhiều gia đình học tập tốt thì mới có được các dòng họ học tập tốt và cộng đồng học tập tốt. Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm nay, Hội Khuyến học huyện phối hợp với các nhà trường, xã, thị trấn để tuyên truyền sâu rộng, phát động phong trào đọc sách trong học sinh và các tầng lớp nhân dân; lồng ghép tuyên truyền tại hội nghị biểu dương gia đình học tập, dòng họ học tập của các xã, thị trấn giai đoạn 2019-2024. Về lâu dài, chúng tôi sẽ hướng dẫn tổ chức phát triển các mô hình Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Đơn vị học tập trong cộng đồng và hằng năm lựa chọn các mô hình tiêu biểu để khen thưởng và nhân rộng.
Phát triển văn hóa đọc là một trong những giải pháp thiết thực, có ý nghĩa chiến lược trong việc thúc đẩy người dân học tập suốt đời. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của hệ thống thư viện cơ sở; phát triển mô hình thư viện, hoạt động khuyến đọc theo hướng khai thác và sử dụng hiệu quả trụ sở, trang thiết bị, nguồn nhân lực hiện có; kiện toàn các mô hình hoạt động chưa hiệu quả; phát huy, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả tại địa phương.
Thực hiện phương châm “Sách đi tìm người đọc”, các thư viện công cộng cần tăng cường chuẩn hóa, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động khuyến đọc tại cơ sở; lồng ghép nội dung khuyến đọc trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao quần chúng; luân chuyển, hỗ trợ nguồn tài nguyên thông tin ban đầu và hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và phát triển văn hóa đọc cho người tham gia vận hành, quản lý thư viện cơ sở. Ngoài ra, phát huy vai trò của thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, tủ sách cơ sở tại những địa phương không có thư viện công lập...

Việt Thanh