Người “giữ lửa” cho đời

04/10/2024 10:55 Số lượt xem: 126
Nghệ nhân Lê Cần (tức Lê Văn Cần) là 1 trong số 20 nghệ nhân của tỉnh Bắc Ninh được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân Ưu tú năm 2019. Hơn nửa thế kỷ qua, ông đã có nhiều đóng góp vào quá trình lưu giữ, truyền bá, bảo tồn, phát huy vẻ đẹp độc đáo của dân ca Quan họ.

Sinh năm 1948 tại thành phố Bắc Ninh, từ nhỏ Lê Cần đặc biệt yêu thích những khúc hát dân ca Quan họ ngọt ngào sâu lắng. Tình yêu đã thắp lửa, dẫn đường cho anh có được những cơ hội để đến với Quan họ. Vì ngày ấy môn nghệ thuật này còn heo hắt lắm, thú chơi Quan họ mới chỉ lác đác ở rất ít người già. Nhưng cậu thiếu niên họ Lê cứ một mình lặng lẽ tham gia các đám hát. Đắm mình trong bầu khí quyển đậm đặc chất Quan họ, anh như bị mê dụ rồi quyết chí tầm sư học đạo. Với sự cố gắng nỗ lực hết mình, Lê Cần được thụ giáo hầu hết các nghệ nhân nổi tiếng vùng Kinh Bắc để lĩnh hội được cái hay, cái đẹp của những làn điệu dân ca, thấu cảm được lối chơi tao nhã của người Quan họ.
Hiểu biết của Lê Cần càng được nâng cao hơn khi anh tốt nghiệp Bộ môn Nhạc dân tộc của trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc (1970), hơn 20 năm lăn lộn với phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng tại Xí nghiệp cơ khí xe đạp Thành Bắc (Bắc Ninh). Hiếu học, cầu thị, ham tìm tòi cái mới, Lê Cần dần hội tụ những giá trị đặc sắc, tinh túy của dân ca Quan họ. Anh không chỉ thuộc nhiều, hát hay, mà còn biết chơi tới 7 loại nhạc cụ: Đàn nguyệt, đàn tam, đàn tứ, đàn bầu, đàn thập lục, đàn nhị và sáo. Đặc biệt, Lê Cần còn có thể đặt câu bẻ giọng, sáng tạo bài hát mới, có khả năng ứng đối một cách nhạy bén theo đúng lề lối Quan họ. Tại Xí nghiệp cơ khí xe đạp Thành Bắc, tài năng của anh được tỏa sáng. Anh được mời biểu diễn nhiều bài Quan họ trong chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam để phục vụ thính giả trong và ngoài nước. Tham dự nhiều cuộc thi, anh liên tiếp giành nhiều bằng khen, giấy khen và không ít giải cao như: Huy chương Vàng hát dân ca và nhạc cổ truyền toàn quốc (do Bộ Văn hóa tổ chức năm 1979), Huy chương Bạc liên hoan ca khúc chính trị toàn quốc (năm 1981), giải Nhì thi hát đối đáp Quan họ tỉnh năm 1997, giải Nhất hát đối đáp Quan họ tỉnh năm 1998…
Năm 1993, Lê Cần xin nghỉ việc và bắt đầu dành toàn tâm, toàn ý cho Quan họ.  Anh là một trong số những người đầu tiên có công phục dựng, tích cực xây dựng phong trào, phổ biến, truyền dạy, làm sống lại cái hay, cái đẹp của dân ca Quan họ. Anh không chỉ là người khởi xướng việc thành lập câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh (với vai trò Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ), mà còn trực tiếp đến các làng để dạy hát. Với sự hiểu biết sâu sắc về Quan họ, lại biết tiếp thu có chọn lọc tinh hoa dân ca các miền quê khác, Lê Cần đã thổi hồn vào từng câu hát, đưa dân ca Quan họ lan tỏa tới nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Hữu xạ tự nhiên hương, tên tuổi của Lê Cần ngày một bay xa. Năm 2001, ông được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam mời sang Trung tâm bảo tồn phát triển văn hóa Bắc Bộ làm Chủ nhiệm câu lạc bộ Dân gian với chức năng nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình dân ca Quan họ. Từ 11 hội viên, nay câu lạc bộ đã thu hút rất đông người tới học. Qua thực tế, ông nhận thấy: Văn hóa Thăng Long rất hợp với cái tao nhã của Quan họ, người Thủ đô thanh lịch mê Quan họ, có khả năng tiếp cận Quan họ rất nhanh. Vì thế, ông tích cực mở lớp, hình thành nhiều sân chơi văn hóa bổ ích như: CLB Âm nhạc cổ truyền (Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô), CLB Trúc Xinh (Cầu Diễn), CLB Khúc hát dân ca (Từ Liêm), CLB Dân ca Tây Hồ (Quận Tây Hồ); CLB Ngôi sao xanh (Mỹ Đình), Còn Duyên (Cổ Nhuế), Trúc Mai (Mai Dịch), Hương Sen (Nghĩa Đô) … Lớp ít thì 3,4 chục người. Lớp nhiều thì lên tới hàng trăm. Lúc nhiều nhất thầy Lê Cần dạy tới 20 lớp. Dù dạy ở đâu thầy cũng cố gắng truyền được cái thần, cái hồn của Quan họ, truyền cho người học cảm hứng, niềm say mê Quan họ. Không ít người đã theo học hàng chục năm, đi biểu diễn khắp nơi như chị Nguyễn Thanh Thủy, Nguyễn Thị Tuyết (CLB Hương Sen),  anh Chung, chị Kết, chị Hồng, anh Cúc (CLB  Trúc Mai)…  
  Năm nay thầy Cần đã ngoài 70 nhưng tiếng đàn vẫn rất ngọt, hát vẫn rất hay, kỹ năng sư phạm tốt. Bài giảng của thầy có hệ thống và luôn bảo đảm nguyên tắc: học đi đôi với hành, dạy học gắn với đời sống, học từ dễ đến khó. Với giọng hát truyền cảm, căng nảy nuột nà, tiếng đàn tứ réo rắt đẩy đưa, ông đã tạo cho lớp học một không khí âm nhạc tuyệt vời. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiếng đàn và lời ca, giữa Quan họ cổ truyền và Quan họ thực nghiệm đã giúp người học có thể cảm nhận tốt hơn cái hay cái đẹp của từng câu Quan họ. Thầy còn hướng dẫn anh chị em cách thức biểu diễn, chỉ bảo lề lối một canh hát, cách phục trang, hóa trang giúp học viên có đủ năng lực, bản lĩnh trình diễn. Để giờ học sinh động, hấp dẫn, thầy còn dạy thêm một số bài dòng nhạc dân gian đương đại, lấy chất liệu từ dân ca Quan họ  như: Những cô gái Quan họ (Phó Đức Phương), Làng Quan họ quê tôi (Nguyễn Trọng Tạo), Ngẫu hứng giao duyên (Trần Tiến), Lời ru (nhạc Lê Minh, thơ Hoàng Hạnh), Tìm em trong chiều hội Lim ( Nguyễn Trung) … Sự hóa thân của Quan họ đã góp phần tạo nên vẻ đẹp của những bài ca đi cùng năm tháng, nhờ thế mà  học viên càng thấy rõ vai trò của Quan họ đối với sự phát triển của nền âm nhạc đương đại nước nhà.
Không chỉ trực tiếp giảng dạy Quan họ ở Bắc Ninh và Hà Nội, bằng điện thoại thông minh, thầy còn gián tiếp hướng dẫn không ít học viên tận các tỉnh xa (ở miền Nam, Tây Nguyên). Nhờ sự năng động và nhiệt tình của thầy mà dân ca Quan họ như được chắp cánh, lan tỏa ngày càng sâu rộng.
Uy tín của nghệ nhân Lê Cần trong giới Quan họ ngày càng được khẳng định vì thế ông thường được mời tham gia Ban giám khảo, Ban cố vấn nhiều cuộc thi hát Quan họ của tỉnh Bắc Ninh, đồng thời ông cũng thường xuyên hỗ trợ  Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh dạy chương trình nâng cao kỹ năng Quan họ.
Đồng thời, nghệ nhân Lê Cần còn tích cực tham gia viết lời làm mới những lời ca Quan họ. Ông là tác giả của nhiều bài Quan họ lời mới, như: Miếng trầu cánh phượng (đối bài Mời nước - Mời trầu), Kỷ niệm Trường Sơn (điệu Tương phùng tương ngộ), Sông dài biển rộng mênh mông (Đối bài Còn giời còn nước còn non), Chúng em làm theo lời Bác (điệu Mười nhớ) …. Nguyên tắc của ông là cách tân gì thì cũng phải dựa trên chuẩn mực khoa học, vừa bảo lưu được nguyên bản Quan họ cổ nhưng vẫn phải đưa hơi thở thời đại vào từng câu hát. Vì chỉ có như vậy thì Quan họ mới không bị xưa cũ…   

Trần Thị Trâm