Thắp sáng lối về

26/08/2024 14:01 Số lượt xem: 331
Tệ nạn ma túy là một hiểm họa, không chỉ mang đến những tổn thất to lớn đối với cá nhân người sử dụng, mà còn dẫn đến những hệ luỵ nguy hiểm đối với toàn xã hội. Bởi vậy, việc đẩy lùi tệ nạn ma túy, giúp người nghiện từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời đang được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm.

Nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thắp sáng lối về” tại Cơ sở cai nghiện ma túy. Hơn 200 học viên đang thực hiện điều trị, cai nghiện tại đây như được thắp lên những hy vọng về tương lai khi được nghe các cán bộ của Phòng Bảo trợ xã hội và Phòng, chống TNXH và những người từ bỏ được ma túy chia sẻ kinh nghiệm để đoạn tuyệt hẳn với ma túy làm lại cuộc đời. Tại buổi tọa đàm, ông Đ.D.T ở Gia Bình chia sẻ câu chuyện về quãng đời mù mịt và những tháng ngày gian nan để đoạn tuyệt với ma túy. Các đây hơn 20 năm, do cuộc sống khó khăn, ông phải đi lên bãi đào vàng ở các tỉnh miền núi phía Bắc làm thuê. Xa nhà, lại bị bạn xấu rủ rê rồi ông nghiện ma túy từ lúc nào không hay. Dính vào ma túy, tiền của không còn, mọi người kỳ thị, xa lánh, sức khỏe giảm sút, tương lai mù mịt, con cái nheo nhóc… Nghĩ đến tương lai, đến gia đình ông đã quyết tâm tìm mọi cách để từ bỏ ma túy. Được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành, sự động viên của gia đình, ông đã đi cai nghiện ma túy. Những tháng ngày cai nghiện đầy nghiệt ngã, khó khăn, song mỗi lúc như thế, ông nghĩ đến vợ con, đến danh dự của gia đình… để vượt qua sự hụt hẫng, dằn vặt, vật vã khi không còn sử dụng ma túy và có thêm động lực quyết tâm cai nghiện từ bỏ ma túy. Ông chia sẻ: “Từ bỏ được ma túy đã khó, nhưng để không tái nghiện là cả chặng đường gian nan. Nhưng điều đầu tiên cần làm là tránh xa bạn bè xấu, những người nghiện. Bên cạnh đó thường xuyên ở cùng gia đình, con cái, lấy tương lai của gia đình, của các con làm động lực để mình thêm quyết tâm từ bỏ ma túy...”. Hơn 20 năm đoạn tuyệt với ma túy, luôn nỗ lực lao động sản xuất, giờ đây kinh tế gia đình ông Đ.D.T đã ổn định, phát triển, các con trưởng thành. Hiện ông còn làm Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện của xã để cùng các lực lượng đấu tranh phòng, chống ma túy, giúp đỡ những người nghiện trên địa bàn từ bỏ ma túy.
Những chia sẻ từ đáy lòng về kinh nghiệm, về cảm xúc khi đã từ bỏ ma túy của ông Đ.D.T như tiếp thêm sự tự tin, thắp lên hy vọng cho hơn 200 học viên đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Học viên L.T.Đ ở tỉnh Lào Cai đang thực hiện cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở chia sẻ: “Mặc dù biết ma túy có hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến xã hội và tôi cũng đã thực hiện cai nghiện nhưng chưa từ bỏ được. Khi nghe các cán bộ, người cai nghiện thành công chia sẻ, tôi rất xúc động, cho chúng tôi thêm hy vọng, quyết tâm để từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời”.

 

Tuyên truyền phòng, chống ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.


Theo ông Đỗ Thành Đông, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh thì: Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh có thể thực hiện cai nghiện cho từ 500-600 học viên dưới hình thức cai bắt buộc và cai tự nguyện. Mỗi năm, Cơ sở cai nghiện cho hơn 200 học viên và bàn giao về địa phương, gia đình tiếp tục quản lý. Mỗi học viên khi vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh dù cai bắt buộc hay tự nguyện cũng đều được quan tâm, giúp đỡ. Họ sẽ được phân loại về độ tuổi, mức độ nghiện, loại ma túy sử dụng… từ đó làm căn cứ xây dựng phác đồ điều trị thích hợp cho từng học viên… Trong 6 tháng đầu năm, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh tiếp nhận hơn 130 người; bàn giao về gia đình, địa phương tiếp tục quản lý gần 80 người. Hiện tại, đang quản lý, điều trị cho hơn 230 người; thực hiện cho gần 100 người uống methadone… Mặc dù công tác cai nghiện, cơ sở vật chất còn những khó khăn, công việc vất vả, nhiều lúc còn nguy hiểm, song mỗi cán bộ đều nêu cao ý thức, trách nhiệm để giúp người nghiện từ bỏ ma túy, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, phát triển”.
Suốt quá trình cai nghiện, Cơ sở cũng thường xuyên thực hiện giáo dục phục hồi hành vi nhân cách, trong đó trọng tâm là tuyên truyền các quy định của pháp luật và công tác phòng chống ma túy; hiểu sâu sắc hơn tác hại của ma túy và HIV/AIDS đối với bản thân, cộng đồng xã hội, từ đó có ý thức trong quá trình chữa trị cai nghiện, tích cực tham gia các hoạt động lao động trị liệu. Hằng ngày, Cơ sở còn duy trì chế độ, thời gian luyện tập thể dục thể thao vào các khung giờ thích hợp, đồng thời duy trì các chế độ và khẩu phần ăn uống để nâng cao sức khỏe cho học viên…
Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội và Phòng, chống TNXH (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) thì: Nhiều năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nghiện thực hiện cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Các cấp, ngành và xã hội có sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp quản lý những người sau cai nghiện như: Thường xuyên quản lý, giám sát, động viên người nghiện sau cai; vận động các cơ sở, doanh nghiệp nhận người nghiện sau cai vào làm việc; tạo nguồn vốn để người nghiện sau cai có vốn sản xuất, kinh doanh… nhờ đó nhiều người đã từ bỏ được ma túy. Tuy nhiên, tỷ lệ người tái nghiện vẫn còn cao, vì thế, rất cần sự quan tâm, vào cuộc trong quản lý, giúp đỡ của các ngành, các cấp và toàn xã hội nhằm thắp sáng lối về cho người sau khi cai nghiện ma túy.

Ngọc Đăng