Phát triển văn hóa đọc trong thời đại số

11/04/2024 20:37 Số lượt xem: 635
Thời đại công nghệ số với vô vàn thiết bị giải trí hấp dẫn và gây nghiện nên việc đọc sách không còn giữ vị trí độc tôn trong nhu cầu tiếp cận nghệ thuật, bồi dưỡng tinh thần và tình cảm thẩm mỹ của con người hiện đại. Mặc dù vậy, để có tri thức và hoàn thiện bản thân thì bất cứ thời đại nào, đọc sách vẫn là nhu cầu thiết yếu, là phương thức tự học hiệu quả và lâu bền nhất của con người.

Hằng năm, Thư viện tỉnh Bắc Ninh tổ chức các hoạt động nhằm kết nối người đọc với nguồn tri thức sách báo phong phú.

 

Trang sách hay màn hình?

Trong bối cảnh chuyển đổi số, văn hóa đọc đang có nhiều thay đổi. Cùng với sự hiện diện của sách giấy truyền thống thì sự xuất hiện của sách số ngày càng phổ biến với nhiều hình thức như sách nói, sách điện tử, video… Vậy đọc sách giấy tốt hay sách số thuận tiện hơn?
Những lợi thế mà sách điện tử mang lại rất rõ trong thế giới mà người người, nhà nhà đều kết nối internet hiện nay. Cả sách giấy và sách số đều có vai trò, vị trí và vẻ đẹp riêng. Sách số thuận tiện cho người đọc khi phải di chuyển, còn sách giấy phù hợp đọc trong không gian tĩnh với cảm xúc chân thật hữu hình khi độc giả được trực tiếp sờ chạm, lật giở từng trang, hít hà mùi thơm của giấy mực... Sách số không cạnh tranh, không mâu thuẫn và không gây ảnh hưởng đến văn hóa đọc mà trái lại còn góp phần phát triển, thúc đẩy niềm đam mê đọc sách, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.
Tuy vậy, giới chuyên môn và những người yêu sách đều khẳng định chỉ có sách và những câu chữ nằm trên giấy mới giúp con người thu nhận kiến thức hệ thống nhất, sâu sắc nhất để từ đó mở rộng và nâng cao trí tưởng tượng của mình. Thế nên, dù khoa học công nghệ phát triển tới cỡ nào thì không một phương tiện nghe nhìn nào có thể thay thế được sách và sách giấy cũng vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có của nó. Đơn giản bởi sách giấy đã gắn bó với con người qua hàng nghìn năm lịch sử và cho đến tận hôm nay vẫn là “nguồn sống” quý giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể sánh được. Mỗi cuốn sách như một tác phẩm nghệ thuật, nó làm thoả mãn nhiều giác quan với hấp lực riêng...

Không gì có thể thay thế sách và văn hóa đọc .

 

Thư viện - kết nối sách với người đọc

Thực tiễn khẳng định tầm quan trọng, sức sống và sự tồn tại không thể thay thế của sách và văn hóa đọc trong đời sống. Theo các nhà nghiên cứu, kiến thức con người thu nhận từ nhà trường chỉ chiếm 25%, để sống và làm việc con người phải không ngừng học. Đọc sách là cách học hiệu quả, bền bỉ nhất. Và một trong các thiết chế góp phần không nhỏ vào việc giúp cho con người có thể thực hiện việc học suốt đời là hệ thống thư viện.
Những năm qua, lãnh đạo các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách như xây dựng xã hội học tập suốt đời trong bảo tàng, thư viện; quan tâm đầu tư cho các thiết chế của văn hóa đọc, tạo điều kiện về cả vật chất và tinh thần để phát triển, nhân rộng mạng lưới thư viện thôn làng, khu phố, các tủ sách gia đình, dòng họ, thư viện tư nhân… Đáng chú ý là Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ban hành năm 2017 đã tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia phát triển văn hóa đọc. Nhiều không gian đọc trong cộng đồng được các địa phương, tổ chức, đoàn thể, đơn vị quan tâm mở rộng... góp phần làm cho văn hóa đọc lan tỏa sâu rộng từ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, thiếu niên nhi đồng cho đến công nhân, nông dân...
Là cầu nối giữa người đọc với nguồn tri thức sách báo phong phú, Thư viện tỉnh Bắc Ninh đóng góp tích cực trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, hình thành văn hóa đọc và phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh. Hiện nay, Thư viện tỉnh đang có trên 260 nghìn bản sách gồm nhiều chuyên ngành, lĩnh vực được phân loại thành: Kho đọc tổng hợp; kho mượn tổng hợp; kho mượn tự chọn và luân chuyển; kho đọc, mượn thiếu nhi; kho báo, tạp chí; kho địa chí; kho ngoại văn. Phương thức phục vụ được đổi mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiều đối tượng bạn đọc.
Hệ thống trang thiết bị của Thư viện tỉnh cũng được quan tâm đầu tư tương đối hiện đại và đồng bộ. Mỗi phòng dành cho độc giả đều có không gian riêng phù hợp với từng lứa tuổi. Phòng thiếu nhi được bài trí sinh động, bắt mắt, hấp dẫn, kết hợp đọc sách với hoạt động trải nghiệm thông qua các khu đọc mở và phòng chiếu phim đa phương tiện, mang đến cho bạn đọc nhỏ không gian học tập và giải trí lành mạnh, bổ ích. Đến đây các em được hòa mình trong thế giới tuổi thơ hồn nhiên, bay bổng cùng những cuốn sách truyện thú vị, ngộ nghĩnh và còn được giải trí, xem phim hoạt hình thiếu nhi, phim hoạt hình về các danh nhân Kinh Bắc...
Ngoài việc duy trì mở cửa phục vụ bạn đọc thường xuyên, hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn chỉ đạo Thư viện tỉnh tổ chức phong phú hoạt động khuyến đọc hấp dẫn như: Ngày hội sách và văn hóa đọc, nói chuyện chuyên đề, phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, trưng bày triển lãm sách, tuyên truyền giới thiệu sách mới, luân chuyển sách, tặng sách... Các hoạt động góp phần kết nối sách với bạn đọc, những người yêu sách và cộng đồng xã hội, từ đó tiếp tục nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội.  

 

Chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba  tỉnh Bắc Ninh năm 2024
Sáng nay 12-4, tại Công viên Hồ Điều hòa Văn Miếu (thành phố Bắc Ninh) diễn ra chương trình khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba tỉnh Bắc Ninh năm 2024 với chủ đề “Sách hay cần bạn đọc”.
Các hoạt động trong khuôn khổ Ngày Sách gồm:
1. Tại Công viên hồ điều hòa Văn Miếu - thành phố Bắc Ninh
* Ngày 12/4/2024 (Thứ Sáu)
-  14h30 -  16h00: Tọa đàm  “Gieo mầm tình yêu sách” cùng các diễn giả: Tiến sĩ ngôn ngữ  học  -  nhà  thơ Đỗ  Anh Vũ  -  Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cố  vấn chương trình vua Tiếng Việt trên VTV3 và Nghệ sĩ nhân dân Tự Long.
- 19h30 - 21h30: Chương trình ca nhạc, nghệ thuật đường phố, trò chơi dân gian và các hoạt động hưởng ứng.
* Ngày 13/4/2024 (Thứ Bảy)
-  8h30  -  11h00: Tọa đàm “Đọc sách: Thói quen và kỹ  năng”  cùng các diễn giả:
Nhà  thơ Lữ  Mai -  cố  vấn chương trình vua Tiếng Việt trên VTV3 và Trung tá  -nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.
-  Từ 8h00  -11h00:  Tổ chức Giải chạy “Vì sức khỏe ngành Thông tin và Truyền thông”.
- 19h30 - 21h30: Chương trình ca nhạc, nghệ thuật đường phố, trò chơi dân gian và các hoạt động hưởng ứng.
* Ngày 14/4/2024 (Chủ nhật)
-  8h00  -  17h00: Các hoạt động Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba tỉnh Bắc Ninh năm 2024 (tham gia trải nghiệm, đọc sách, giao lưu, giới thiệu về sách, các trò chơi dân gian, nghệ thuật khác,…).
2. Tại Thư viện tỉnh Bắc Ninh (Số 01, đường Lý Thái Tổ, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh)
* Ngày 11/4/2024 (Thứ Năm)
-  14h00 -  16h00: Nói chuyện chuyên đề “Sống yêu thương -  Sống trí tuệ” diễn giả Đào Thị Ngân.
* Ngày 12/4/2024 (Thứ Sáu)
- 7h45 - 11h25:
+ Thi tuyên truyền giới thiệu sách “Điện Biên - Vang mãi bản hùng ca”.
+ Ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện phát triển văn hóa đọc giữa Sở VHTTDL và Sở GD&ĐT
-  13h30  -  15h30: Tổ chức chấm thi trang trí thư viện, xếp mô hình sách nghệ thuật.
-  15h45  -  16h30: Trao giải các phần thi: Vẽ tranh, tuyên truyền giới thiệu sách, xếp mô hình.
* Ngày 13/4/2024 (Thứ Bảy)
Tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách, chiếu phim, các hoạt động trải nghiệm…
T.Lâm