Quyết tâm phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị

31/10/2024 21:46 Số lượt xem: 79
Xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới vừa mang ý nghĩa thời sự cấp bách vừa là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và có sự kế thừa lâu dài, bền bỉ. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 71/NQ-TU về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” với quan điểm xuyên suốt cùng 16 nhóm mục tiêu và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đang dần tạo bước phát triển mới cho văn hóa Bắc Ninh.

Du khách thưởng thức Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại Hội Lim.

 

Nối tiếp thế hệ người dân và xuyên suốt các thời kỳ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm coi trọng bảo vệ, phát triển văn hóa. Điều này được không chỉ được soi sáng trong dòng chảy văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc qua các thời kỳ lịch sử, mà còn thể hiện sinh động trong thực tiễn đời sống văn hóa đương đại. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách phát triển văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn, phát huy được sức mạnh con người Bắc Ninh trong xây dựng quê hương, đồng thời khơi dậy được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Đánh giá thực hiện 16 nhóm mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 71 sau 2 năm triển khai cho thấy, có 8 nhóm bảo đảm kế hoạch thực hiện hàng năm hoặc theo giai đoạn; 7 nhóm đang thực hiện theo giai đoạn, bước đầu chưa có kết quả cụ thể; có 1 nhóm khó thực hiện liên quan đến công tác quy hoạch quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao trong các khu công nghiệp.
Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị phẩm chất, đạo đức con người Bắc Ninh - Kinh Bắc được quan tâm, trong đó: Chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ; tổ chức tốt các hoạt động: Ngày Hội gia đình, Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2023, vinh danh, biểu dương 40 gia đình tiêu biểu của tỉnh nhằm lan tỏa thông điệp về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.
Việc thực hiện tốt “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, “Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục”, “Bộ tiêu chí an toàn giao thông”, Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bắc Ninh thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025... góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh. Kết quả Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với tỉ lệ 96,% Gia đình văn hóa; 91,1% Khu dân cư văn hóa; 88,8% Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; tỉ lệ đám tang hỏa táng, điện táng đạt từ 60% trở lên. Hiện nay, toàn tỉnh có 89/89 xã đạt chuẩn NTM, 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm chú trọng. Hoạt động đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích được triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Trong 2 năm 2023 và 2024, Sở Tài chính phân bổ tổng số hơn 141 tỉ đồng để các đơn vị thực hiện Nghị quyết số 71. Trong đó, 140 tỷ đồng là kinh phí hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp di tích, còn lại là kinh phí hành chính sự nghiệp phân bổ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hoạt động kiểm kê di sản, lập hồ sơ xếp hạng di tích được tiến hành định kỳ, đúng quy định. Công tác tuyên truyền quảng bá, phát huy giá trị di sản và huy động các nguồn lực xã hội hóa ngày càng mở rộng, thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Cơ chế, chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được triển khai hiệu quả, thiết thực.

 

Múa rối nước Đồng Ngư phục vụ nhân dân và khách du lịch tại Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành).
 

Lĩnh vực du lịch có chuyển biến rõ rệt, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, đồng thời có sự liên kết du lịch giữa Bắc Ninh với các vùng, miền và khu vực. Đáng chú ý, ngoài loại hình du lịch tâm linh, lễ hội mà tiêu biểu là 14 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận, một số điểm dịch vụ du lịch văn hoá- sinh thái mới được các doanh nghiệp đầu tư đưa vào khai thác như: Khu dịch vụ du lịch sinh thái Thanh Thuỷ (Từ Sơn), Green Farm, OmeLy (Tiên Du)... Các hoạt động kinh tế đêm cũng dần hình thành thông qua hoạt động hát Quan họ trên thuyền, phố đi bộ... Mỗi huyện, thị xã, thành phố đăng ký một sản phẩm du lịch mẫu, đặc trưng của địa phương.
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 71, văn hóa Bắc Ninh tuy có bước phát triển mới, nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh, song vẫn chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Bắc Ninh chưa được định lượng cụ thể. Việc huy động nguồn lực và sức mạnh, nội lực của cộng đồng trong xây dựng và phát triển con người còn hạn chế. Công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật chưa nhiều để định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Việc phát triển công nghiệp văn hóa còn nhiều lúng túng, chưa có tính sáng tạo. Lĩnh vực du lịch đóng góp vào cơ cấu kinh tế chung của tỉnh vẫn thấp, thiếu sản phẩm du lịch đủ sức tạo ra bước đột phá. Bên cạnh đó, thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp chưa đầy đủ, không đáp ứng được nhu cầu thực tế...
Văn hóa là lĩnh vực đặc thù với quá trình ngấm lâu, thấm sâu, do đó hiệu quả của các chính sách xây dựng, phát triển văn hóa không thể đong đếm trong một hoặc hai năm, mà cần rất nhiều năm. Với một vùng đất trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống lịch sử văn hóa, yêu nước và cách mạng cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng và toàn dân, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh nhất định sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, đưa văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị.

T.Lâm