Phát huy thương hiệu sản phẩm OCOP

24/09/2024 20:08 Số lượt xem: 71
Từng là nghề chính của nhiều hộ dân làng Trang Liệt, nay là khu phố Trang Liệt, phường Trang Hạ (thành phố Từ Sơn), nghề làm kẹo lạc giờ chỉ còn vài hộ dân giữ nghề, trong đó có cơ sở của ông Vũ Công Toàn với 2 sản phẩm kẹo lạc, chè lam được công nhận chất lượng 4 sao sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh.

Đóng gói sản phẩm kẹo lạc Trang Toàn được hỗ trợ bởi máy móc giúp giảm sức lao động.

 

Với ước muốn duy trì, phát huy ngành nghề truyền thống của địa phương và gia đình, từ nhiều năm nay cơ sở sản xuất kẹo lạc, chè lam Trang Toàn của ông Vũ Công Toàn luôn chú trọng lựa chọn nguyên liệu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, khẳng định chất lượng với 2/2 sản phẩm được công nhận chất lượng “4 sao” sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ông Toàn chia sẻ: “Quy trình nấu kẹo cầu kỳ, đòi hỏi người làm phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, đặt tâm vào công việc mới được mẻ kẹo ngon. Nếu nóng vội, sơ sài khâu nào thôi sẽ không được vị ngọt sắc, thơm giòn của kẹo lạc nữa. Đầu tiên phải chọn được hạt lạc đều, bóng. Khi rang lạc để lửa nhỏ vừa phải, rang đều tay tránh hạt lạc bị cháy. Lạc rang chín, ủ cho giòn rồi tách sạch vỏ và đưa vào nấu kẹo ngay để giòn, không bị ỉu. Tuy là đã được rang, chà rất kĩ lưỡng nhưng để hạt lạc làm kẹo không còn hơi nước cần làm thêm một công đoạn nữa đó chính là sấy lạc. Hệ thống máy sấy hiện đại của gia đình giúp loại bỏ hơi nước, giúp lạc không ỉu và nhanh hỏng. Tuy nhiên, cũng như các gia đình làm thủ công, nguyên liệu mới chỉ quyết định được 50% thành công. Quan trọng vẫn là do người nấu, phải canh đường, canh mạch nha, trộn các nguyên liệu cho đúng khẩu vị của người tiêu dùng hiện nay”.
Đây là công đoạn quan trọng quyết định chất lượng của kẹo. Hỗn hợp làm kẹo của gia đình ông Toàn gồm có mạch nha nếp được đun trên bếp đỏ lửa từ 5-10 phút. Mạch nha sau khi nung chảy được trộn đều tay với lạc đã được nghiền sẵn. Lạc và mạch nha được trộn, quyện lại với nhau đặc sền sệt thì đổ ra mâm gỗ có rải lớp bột gạo, vừng mỏng để chống dính rồi dùng chày để cán. Thợ phải cán đều tay để kẹo đảm bảo độ mịn và độ dày. Các thao tác trộn kẹo, cán kẹo phải phối hợp thật nhanh vì mạch nha để nguội sẽ bị cứng, cắt sẽ bị vỡ vụn. Sau khi cán mỏng đều, kẹo được cắt từng thanh độ dài từ 4-6cm rồi đóng gói sản phẩm. Kẹo lạc đạt tiêu chuẩn là mùi thơm tinh khiết, khi ăn vào cảm nhận được không chỉ giòn, ngọt, ngon mà lại dai mềm và béo ngậy có thể bảo quản dài ngày vẫn không bị hôi. Còn để làm ra những phong chè lam có vị ngọt thanh, rẻo, thơm thì nguyên liệu phải là gạo nếp của gia đình tự gieo cấy với quy trình sản xuất gần giống như kẹo lạc.
Không chỉ được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2020 cả 2 sản phẩm kẹo lạc, chè lam của cơ sở Trang Toàn còn được lựa chọn tham gia chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm của tỉnh. Với hương vị thơm, ngon, giòn, ngọt của kẹo lạc, ngọt thanh và rẻo của chè lam đã chinh phục được tất cả khách hàng. Hiện tại, mỗi tháng cơ sở của ông Toàn sản xuất khoảng 1.000-1.500 kg kẹo lạc, chè lam thành phẩm, doanh thu đạt 80-100 triệu đồng, trừ phí còn lãi 20-22 triệu đồng, đặc biệt 2 tháng cuối năm dịp Tết Nguyên đán sản lượng đạt 3.000-4.000 kg/tháng, doanh thu đạt 200-300 triệu đồng, trừ chi phí lãi 30-40 triệu đồng. Ngoài thị trường tiêu thụ là khách quen trong tỉnh, sản phẩm kẹo lạc, chè lam Trang Toàn đã được tiêu thụ tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… được nhiều khách hàng mua làm quà đem đi nhiều nước trên thế giới.
Việc duy trì nghề sản xuất kẹo lạc lâu đời của địa phương, gia đình đã khẳng định những nỗ lực, tâm huyết với việc giữ lửa nghề và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Vũ Công Toàn cho biết: “Tới đây gia đình sẽ đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, xứng đáng là sản phẩm được công nhận chất lượng OCOP của tỉnh”.

Nguyễn Tuấn