Mùa cọ chín
Cọ ra hoa vào mùa Xuân, những chùm hoa li ti nở trắng dưới tán cọ sum suê. Khi Đông về, những buồng cọ căng tròn, nặng trĩu, chuyển dần sang màu xanh thẫm là lúc cọ bắt đầu chín. Dường như cái rét căm căm của trời đất và cái béo ngầy ngậy của cọ đến cùng một lúc.
Cuối tháng 10 âm lịch, cọ chín rộ, phải căn đúng thời điểm thu hoạch, quả cọ mới ngon. Nếu hái sớm cọ còn chát, nếu hái muộn thì quả sẽ bị sâu. Với những cây cọ, vườn cọ lâu năm, thân cao vút, hái cọ phải bắc thang để trèo hoặc cột liềm vào sào để ngoặc cả buồng rơi xuống đất, sau đó mới vặt từng quả.
Tôi nhớ món cọ om của mẹ. Trước lúc om, mẹ tôi thường bỏ quả cọ vào trong rổ tre, dùng tay chà cho bong hết vỏ, sau đó ngâm nước lã vài tiếng đồng hồ cho ra hết nhựa. Đun nước nóng khoảng 70 độ, tắt lửa, cho cọ vào nồi, đậy vung lại để om. Chừng 20 phút sau, lấy tay thử thấy mềm là cọ đã chín. Mẹ bảo chỉ cần thấy màu nước om cọ đã biết cọ ngon hay không; cọ béo, nước om cọ sẽ nổi “sao vàng”. Khi cọ mềm, vớt ra để ráo, gỡ hạt, phi hành mỡ thơm rồi cho cọ và xào hoặc chấm với nước tương, với mắm chua, kèm thịt lợn ba chỉ, chút rau thơm thì ngon tuyệt.
Mùa đông ở quê tôi lạnh lắm, như cắt da, cắt thịt, nên không có rau mà chủ yếu là những đồ muối để ăn dần. Quả cọ cũng vậy để cất được lâu, mẹ tôi còn muối cọ trong những thẩu, vại, chum sành hoặc thả chung vào cà, vại nhút mít (là những quả mít non được gọt vỏ rồi băm nhỏ ra muối). Khi muối, quả cọ để nguyên cả vỏ sẽ bảo quản được lâu. Ngày trước, quê tôi, nhà nào cũng dự trữ vài vại cọ muối để làm thực phẩm. Cọ muối bóc ra vàng ươm, bắt mắt, có thể cất ăn dần suốt nhiều tháng mùa Đông. Hồi nhỏ, những hôm đi chăn trâu về, đói bụng, mẹ chưa nấu được cơm, tôi thường lén lấy cọ muối ăn với cơm nguội, đơn giản thế thôi mà ngon đến lạ kỳ.
Nhớ đến nao lòng món cọ ăn cùng bánh đúc của mẹ. Cọ thì béo ngậy, bánh đúc thì dẻo thơm, hai thứ kết hợp với nhau tạo nên món ăn “thượng hạng” lúc bấy giờ. Tôi vẫn nhớ câu ca “Bánh đúc trái tro (quả cọ ở quê tôi thường gọi là tro) bán bò không kịp”, để nói về cái ngon, cái hay của quả cọ, cũng như ghi nhớ về cái thời cơm không đủ no, áo không đủ ấm, món ăn đời thường cũng thành mỹ vị. Năm tháng đó đã đi qua, các nghèo, cái khó đã lùi xa, nhưng quả cọ vẫn là một thứ ẩm thực dân dã mà nổi tiếng của làng quê.
Ngày nay, trong phong trào nông thôn mới, những vườn cọ, đồi cọ quê tôi đã bị thay thế bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Cọ chỉ còn lại lác đác trên những cánh rừng hoặc đơn lẻ trong vườn nhà. Những cây cọ trong vườn nhà tôi cũng đã bị chặt để nhường diện tích cho những công trình phụ. Lá cọ không còn được sử dụng để lợp nhà, lợp chuồng trâu bò như xưa, nên cây đầy lá già khô…
Chợ quê cũng vơi dần hình ảnh những rổ cọ thân quen. Đi quanh chợ, thỉnh thoảng mới gặp một vài người bán cọ. Quả cọ ngày càng khan hiếm và đang dần trở thành đặc sản, ngon, sạch của người dân miền núi. Có lẽ vì vậy mà quả cọ cũng ngày càng được giá hơn. Từ đầu mùa cọ, lái buôn đã đánh xe đến từng nhà mua tại vườn, đồi. Quả cọ được đóng vào bì, chất lên ô tô, rong ruổi khắp các vùng quê rồi ra phố thị, tạo nên vị đặc trưng, khó quên của hương vị đồng quê nơi chốn thị thành.
Cọ đã gắn bó với người dân quê tôi tự bao đời, là ký ức thân thương của bao thế hệ “Cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi”. Tuy không còn nhiều như ngày xưa, nhưng cọ vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống đời thường, như một loài cây sinh ra để đồng hành với người lao động. Hình ảnh cây cọ vươn lên trong bão giông, nắng gió, như phẩm chất cần cù, chịu khó, bền bỉ, kiên cường của người dân quê tôi. Cuộc sống đã khác xưa, mái tranh quê làm từ lá cọ giờ đây đã thay bằng mái ngói, nhà tầng nhưng cọ muối, cọ om vẫn mãi là “đặc sản làng quê” đong đầy kỷ niệm trong tôi.
- Bản tin ngày 7-11-2024.mp4
- Bản tin ngày 6-11-2024.mp4
- Đoàn cán bộ quản lý báo chí nước CHDCND Lào thăm và làm việc tại Báo Bắc Ninh.mp4
- Bản tin ngày 5-11-2024.mp4
- Bản tin ngày 4-11-2024.mp4
- Điểm tin trong tuần từ ngày 28 - 10 đến 3 - 11
- Dự báo thời tiết đêm 3 và ngày 4-11
- Bản tin ngày 2.11.mp4
- Dự báo thời tiết đêm 2 ngày 3-11
- Gặp mặt tướng lĩnh Quân đội nhân dân..mp4