Chuyện đời thường - Trái chín “Mùa thứ hai” với hương vị ngọt ngào, sâu lắng

08/11/2024 09:05 Số lượt xem: 50
Sau tác phẩm đầu tay “Quả đầu mùa” của nhà giáo - nhà thơ Trần Thị Tĩnh (Trần Tĩnh) ra mắt bạn đọc năm 2021 đã gây được sự chú ý với bạn đọc gần xa cả về nội dung và thi pháp. Như được khích lệ, 3 năm sau, tác giả lại tiếp tục giới thiệu với người yêu thơ và đồng nghiệp ấn phẩm “Chuyện đời thường” - Trái chín “Mùa thứ hai” với hương vị ngọt ngào, sâu lắng!


Chỉ gần 70 bài, gói gọn trong 100 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in ấn và phát hành cuối năm 2024, tập thơ nhỏ nhắn, xinh xắn “Chuyện đời thường” vừa ra đời lập tức nhận được tình cảm trân trọng, mến mộ của độc giả, bạn bè nhiều nơi trước những vần thơ, trang thơ tuy mộc mạc, dung dị, nhưng chan chứa tình đời, tình người, tình yêu quê hương đất nước, gia đình; tình yêu đôi lứa… hết sức “đời thường” mà sâu sắc.
Xuyên suốt của tập thơ là khơi gợi, lý giải thế nào là tình yêu ở mỗi chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Ngoài tình yêu hết sức sâu nặng đối với quê hương nói chung, Đa Hội nói riêng thuộc Đông Ngàn xưa (thành phố Từ Sơn ngày nay) nổi tiếng về Nghề rèn: Con cháu đời nối đời kế tiếp/Lòng sắt gang giữ nghiệp tổ tiên/Cày bừa, cuốc xẻng, hái liềm…/Giúp nền nông nghiệp tiến lên vững vàng…(Đức Thành Hoàng, Tổ nghề rèn làng Đa Hội…), tác giả đã dành tình yêu có một không hai đối với gia đình - nơi có người mẹ đã bao tháng năm cũng như suốt đời nhịn ăn nhịn mặc, chịu thương chịu khó “một nắng hai sương”, hi sinh tất cả vì gia đình: Cả cuộc đời mẹ tần tảo lầm than/Không biết đến một tháng ba, ngày tám hay: Mẹ cần mẫn vỡ đất hoang/Từng nhát cuốc…chai bàn tay đen đúa (Nợ Mẹ ngày 8/3). Với mẹ là vậy! Còn người cha của cô giáo - nhà thơ cũng cùng cảnh ngộ. Ông đã phải quanh năm “đầu tắt mặt tối” cần mẫn, chịu đựng. Vừa là người thợ rèn, đồng thời vừa là người thợ cày “lão nông chi điền” không kể nóng rét, nắng mưa ngày đêm để cùng với người vợ tần tảo vượt khó nuôi dưỡng 5 đứa con khôn lớn, trưởng thành nên người: Người thợ rèn, người thợ cày cần mẫn/Vất vả nuôi con đâu quản nhọc nhằn/Bạc vai áo nâu sồng từng vệt trắng/Cho đời con - 5 đứa đã thành nhân… (Ngày giỗ Cha). Đây là chuyện riêng của tác giả. Song tự ngẫm qua mỗi vần thơ, bài thơ rồi liên tưởng, mỗi chúng ta như thấy có cả gia đình và mình trong đó một thời!
Với đồng nghiệp và mái trường - ngôi nhà thứ hai thực sự gắn bó gần như cả cuộc đời, tác giả cũng không quên dành phần tri âm tri kỉ với họ trước lúc chia tay - nơi mà suốt mấy mươi năm vui buồn có nhau, chung sức chung lòng chèo lái những chuyến đò “không số”, vì sự nghiệp “Trồng người”. Nơi mà: Cùng nhau chia ngọt sẻ bùi/… Cùng nhau chung bước sân trường, cùng nhau… (Đậm đà).
  Tình yêu với quê hương, người thân và đồng nghiệp là vậy! Song chiếm lượng lớn của gần 70 bài thơ trong tập, nhà giáo - nhà thơ Trần Tĩnh có lẽ muốn truyền tải một thông điệp đến với độc giả về tình yêu lứa đôi, song không phải tình yêu trai gái chung chung, đơn thuần, mà đó là tình yêu của những người Quan họ tuy thầm kín, ý nhị… nhưng cũng không kém sự mãnh liệt, tràn trề đằm thắm, sâu sắc: Chuyện trầu cau đã bao đời/Ăn cho thắm lại một thời xuân xưa/Cởi khăn dải yếm ra đưa/Nồng say mở hết cho vừa buồn vui (Mời trầu) hay: Chòng chành nón thúng sang sông/Chiếc ô lẻ bạn đứng trồng cây si… hoặc: Bước đi mỗi bước một dừngVớt câu giã bạn xin đừng quên nhau… (Giã bạn); Đợi người… đợi cạn tháng giêng/Phải đâu riêng chỉ hội Lim một ngày?/Vỗ sao kêu… một bàn tay…/Mời trầu, nhìn lại… buồn ngay miếng trầu (Đi hội một mình).
Qua ngòi bút mang tính đột phá, khá tinh tế, hóm hỉnh pha chất trào phúng, nhưng hết sức ý nhị, thâm thuý, không hề dung tục… tác giả thầm dẫn dắt người đọc khám phá “thế giới tình yêu” riêng của mình. Điều đó thể hiện rõ nét ở các bài “Hoa bướm”, “Xem hoa”,”Cá ao”, “Cột buồm” hay “Thao thức”… qua những vần thơ hết sức trẻ trung, lãng mạn: Lần đầu thấy hoa bướm/Chỉ là hoa bướm thôi/Lần sau thấy hoa bướm/Chân tay run quá trời/Lần nữa thấy hoa bướm/Trái tim đập liên hồi/Bây giờ nhìn hoa bướm/Lặng quay đi mỉm cười. (Hoa bướm) hoặc: E ấp từng cánh nở/ Khoe tươi nhuỵ hồng đào/ Ngỡ động Thiên Thai mở/ Ghìm lòng nỗi khát khao… (Xem hoa).
Trong “Chuyện đời thường”, có khá nhiều bài thơ, câu thơ mang tính triết lý về nhân sinh quan, về nhân tình thế thái cũng như cách đối nhân xử thế trong cuộc sống thường ngày… tương đối sâu sắc, đậm tính nhân văn. Điều đó thể hiện rõ nét qua các bài: “Ngược sáng”, “Muốn…”, “Nghĩ về cây”, “Giọt nắng cuối chiều”, “Đàn bà và thơ”… Chỉ xin điểm qua một vài câu để chúng ta cùng ngẫm: Muôn hình dáng, vạn sắc màu…/Đã ngược sáng trắng mấy thì cũng đen (ngược sáng) hay: Buồn làm chi chuyện nhớ quên/ Đi qua hoạn nạn hiểu thêm bạn bè… (Nghĩ về cây).
Tựu trung, thơ Trần Tĩnh hướng theo dòng thơ mới, bước đầu có tính đột phá, phóng khoáng nhưng không hề dễ dãi. Mỗi bài trong tập là một câu chuyện, một lời tự sự về đời, về người xuất phát từ trái tim nhân hậu, trách nhiệm của một nhà giáo - nhà thơ luôn hướng tới cái hay, cái đẹp, tính “Chân - Thiện - Mỹ” của cuộc sống xã hội, quê hương, gia đình… hiện tại và tương lai.                  

Nguyễn Tự Lập