Một bài thơ hay của Nguyễn Phan Hách
LÀNG CƯỜI
Không phải làng tên tuổi
Làng Quan họ quê người
Sách Dư địa chí cổ
Ghi làng tôi: Làng Cười.
Bẻ lý lối đùa vui
Tổ tiên quen tính nết
Hội làng thi nói khoác
Nói khoác mà thành danh.
Nối tiếp bao đời rồi
Cha ông truyền con cháu
Già tài cười quý báu
Nhưng cười để làm gì?
Ngày ấy tôi biết chi
Ngày ấy tôi buồn chán
Làng Tranh khắc tranh bán
Làng Đồng đúc trống đồng
Một miền quê mênh mông
Làng Tuồng diễn tích cổ
Chỉ một làng tôi đó
Vô tích dạng: Làng Cười!
Nhưng đã chót thế rồi
Biết làm sao đổi khác!
Ngôn ngữ ai là Hát
Ngôn ngữ tôi là Cười.
Cất tiếng cười lấy vui
Đời đáng yêu biết mấy
Tiếng cười ra nước mắt
Cứ là cười mà thôi.
Yêu thương với buồn vui
Thăng hoa thành tiếng hát
Cất cánh thành tiếng cười
Làng Cười và Làng Hát
Cũng một hồn quê thôi!
Nguyễn Phan Hách
Các làng quê Việt Nam của chúng ta hầu như đa phần đều có hai tên, một tên chữ và một tên nôm. Làng Đông Hồ được gọi là làng tranh, làng Phong Khê được gọi là làng giấy, làng Đại Bái được gọi là làng Đồng, làng Kim Đôi được gọi là làng Rủi quan. Nếu như nhiều làng cũng có chung một đặc điểm nào đó thì được gọi là các làng Quan họ, làng tiến sĩ, làng rau, làng hoa… Nhà thơ Nguyễn Phan Hách giới thiệu một kiểu làng rất mới, Làng Cười …
Nhân vật trữ tình trong bài thơ này “kể” về làng mình với hai trạng thái tình cảm khác hẳn nhau. Hay nói một cách chính xác hơn, đây là quá trình nhận thức, đánh giá về làng quê của mình từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Điều kỳ lạ là quá trình nhận thức này được xoay quanh một tiêu điểm: Tên gọi của làng, Làng Cười!
Ở giữa vùng quê mênh mông với bao nhiêu là tên làng nổi tiếng như: Làng Quan họ, làng Tranh, làng Đồng, làng Tuồng… gắn với bao nhiêu là lễ hội và nghề nghiệp rất đáng quý trọng thì làng tôi lại phải mang tên là Làng Cười. Mà nguồn gốc của tên làng cũng chẳng lấy gì làm cao sang, nó được bắt đầu từ những hội thi nói khoác. Nói khoác, bẻ lý sự với nhau cho vui. Ai nói khoác giỏi, lý sự tài cũng có thể thành danh. Nổi tiếng kiểu này, đặt tên làng theo kiểu này, đã khiến cho nhân vật trữ tình trong bài thơ thất vọng:
Ngày ấy tôi biết chi
Ngày ấy tôi buồn chán…
Chỉ một làng tôi đó
Vô tính dạng: Làng Cười!
Nhưng nếu tên làng chỉ là tên làng thôi thì nó không thể tồn tại lâu dài như thế. Nguồn gốc sâu xa của tên Làng Cười, của các hội thi nói khoác, nằm ở tầng rất sâu trong lịch sử và bản chất của cộng đồng người Việt. Một dân tộc trong 4000 năm lịch sử đã trải qua muôn vàn gian nan thử thách của thiên tai, địch họa, dân tộc ấy phải có một bản lĩnh rất kiên cường. Dân tộc ấy phải biết Cười trong mọi hoàn cảnh. Nói một cách khác, tinh thần lạc quan chính là một báu vật gia truyền của cộng đồng người Việt. Báu vật ấy hiện hữu thành tên làng, thành các truyện tiếu lâm, thành các con người cụ thể như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn. Đó cũng chính là cơ sở nhận thức của nhân vật “Tôi” trong bài thơ này:
Cất tiếng cười lấy vui
Đời đáng yêu biết mấy
Tiếng cười ra nước mắt
Cứ là Cười mà thôi.
Từ những nhận thức ban đầu ấy, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã khái quát thành một luận điểm triết học rất chính xác và tài hoa:
Yêu thương với buồn vui
Thăng hoa thành tiếng hát
Cất cánh thành tiếng cười
Làng Cười và Làng Hát
Cũng một hồn quê thôi!
Có thể nói rằng, sau thi phẩm nổi tiếng: “Làng Quan họ” đã cất cánh bay cao cùng với nhạc của Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã có thêm một: “Làng Cười” rất đáng được ghi nhận. Thơ của ông chân thành, giản dị, đầy mầu sắc và âm hưởng của làng quê xứ Bắc. Sức gợi mở của bài thơ cũng rất rộng và sâu. Nó giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn, yêu thương đằm thắm hơn quê hương Bắc Ninh yêu dấu của mình.
Xuân 2024
Nguyễn Anh Thuấn