Làng tôi lên phố

05/02/2024 20:38 Số lượt xem: 252
Nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến quê Quảng Trị về thăm Bắc Ninh. Tôi đón anh trong lòng trào dâng bao nỗi.

Tôi hồ hởi khoe với anh: “Làng tôi lên phố rồi đó!” - Xin được chúc mừng huyện Thuận Thành của anh lên Thị xã. 10 xã lên phường. Có xã Gia Đông của anh. Mừng cho anh và nhân dân Thuận Thành. Một miền đất cổ Siêu Loại, Luy Lâu. Mảnh đất dày kín những di tích lịch sử văn hóa. Một trầm tích văn hóa, cái nôi của Đạo Phật và văn hóa của vùng châu thổ sông Hồng.
Tôi hào hứng kể cho anh nghe về ngôi làng, nơi tôi sinh ra, lớn lên. Trải qua năm tháng bể dâu, làng Ngọc Khám không còn giữ được thần tích, hay thần phả nên không rõ được thành lập từ thuở nào. Nhưng theo tương truyền thì làng xưa có tên là Trang Bảo Khám. Đến đời vua Bảo Đại, vì phải kiêng húy nên đổi thành Ngọc Khám.
Tôi đưa anh đến thăm ngôi đình làng được cán bộ và nhân dân chung sức, chung lòng xây dựng lại trên nền đất cũ từ tháng 1-2008 đến tháng 10-2010. Tương truyền, ngôi đình cũ được xây từ thời Trần thờ 4 vị Đại Vương có công giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Nam Hán và một người con gái họ Trần ở làng có công xây dựng đình. Làng còn giữ được một đạo sắc phong của vua Khải Định vào năm Mậu Ngọ - 1918. Sắc phong ghi: “Hậu thần thị nội cung tần phụng phong Tu Viên”. Bà được thờ ở Hậu cung. Đình làng giờ thờ thêm cụ Tư An, người góp công của xây dựng lên ngôi đình mới này.
Ngôi chùa của làng mang tên Linh Ứng Tự. Nhân dân trong vùng gọi là chùa Linh Ứng. Theo một số di vật còn lại, chùa được xây dựng từ thời Trần là một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và từng là một trong những danh lam nổi tiếng trong vùng. Ngày 7 tháng 4 âm lịch hàng năm làng mở hội chùa, đón khách thập phương nô nức về chiêm bái. Năm 1952, chùa bị giặc Pháp tàn phá, trở nên đổ nát, chỉ còn nguyên ba pho tượng đá.
Thời gian vừa qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và chính quyền, sự ủng hộ công đức của khách thập phương, dân làng, ngôi chùa bề thế khang trang được xây dựng lại ngay trên nền đất cũ. Riêng ba pho tượng Phật Tam Thế bằng đá được Nhà nước xếp hạng “Bảo vật Quốc gia”.
Làng tôi còn một ngôi chùa nữa, chùa Nhân. Trải qua sự tàn phá của năm tháng bão giông, chùa cũng bị phá hủy hoàn toàn. Khi tôi lớn lên chỉ còn biết đến một nền đất chùa và một cái giếng đất sâu, nước trong vắt bốn mùa. Giếng có tên gọi là giếng chùa Nhân. Cũng nhờ sự hảo tâm công đức của khách thập phương, sự góp công sức của dân làng, sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền các cấp, một ngôi chùa mới được cất lên trên nền chùa cũ, giữa một khuôn viên rộng rãi thoáng mát. Chùa vẫn lấy tên cũ. Ngày 7 tháng 4 âm lịch hàng năm, làng mở hội đón du khách thập phương về lễ Phật.
Tôi và anh lững thững dạo vãn cảnh chùa. Từng làn gió nam thổi về ào ạt. Những vòm cây xào xạc đung đưa theo gió. Vài chiếc lá rơi lên đầu chúng tôi.
Tôi khoe với anh về cái làng yêu dấu của tôi. Làng có mái đình, mái chùa cong vút, có nóc tháp chuông nhà thờ vươn cao giữa nền trời xanh và có tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ ngân lên khi ban sớm, lúc chiều tà.
Làng tôi trải qua bao thăng trầm của thời cuộc. Giờ làng lên phố. Xã lên phường. Huyện lên thị xã. Niềm vui, niềm khát vọng đâu của chỉ riêng tôi.
Tôi tiếp tục đưa anh đi thăm một số di tích lịch sử văn hóa trong vùng: Đền và lăng Sỹ Nhiếp, chùa Dâu, nhà thờ Nguyễn Gia Thiều, chùa Bút Tháp, lăng Kinh Dương Vương.
Đến đây, anh không cần tôi giới thiệu. Anh tự tìm hiểu, tự mình ghi chép cụ thể những điều anh chưa biết về mỗi di tích.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Tôi đưa anh đi thăm cụm di tích phía bắc của dòng sông Đuống như: chùa Phật Tích; Đền Đô; đình làng Đình Bảng… Chúng tôi vượt sông Đuống. Tôi và anh dừng lại trên chiếc cầu vừa được bắc qua sông Đuống, cầu Kinh Dương Vương.
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
Chất giọng miền Trung của anh sao mà đằm thắm da diết ngân lên giữa một khoảng không bao la nắng gió, yên ả và thanh bình
Tôi bồi hồi nhớ cái bận đầu tiên về Quảng Trị. Anh đưa tôi đi thăm cây cầu Hiền Lương bắc qua dòng Bến Hải. Tôi và anh cùng đứng rất lâu trên cầu. Nơi mà cây cầu có một vạch sơn trắng giữa thân cầu. Chia cắt đất nước làm đôi. Một nỗi đau. Mãi hơn hai mươi năm trời mới được nối liền một dải.
Lúc này đây, không rõ Nguyễn Ngọc Chiến đang có tâm trạng như thế nào. Còn riêng tôi thì có bao cảm xúc khi đang ngắm nhìn màu xanh ngút ngàn hai bên bờ dòng sông quê hương. Một cuộc sống đầm ấm an yên đang thay đổi từng ngày. Để có được cuộc sống ngày hôm nay, bao thế hệ người dân quê tôi đâu phải chỉ có đổ mồ hôi và nước mắt. Mà còn cả xương máu nữa.
Tôi tiếp tục đưa anh đi thăm thú, chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh của quê nhà. Muốn anh thấu hiểu thêm về một nền văn hóa của miền quê Kinh Bắc. Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình mà. Trong tôi chộn rộn niềm vui sướng pha chút tự hào khôn tả.

Bút ký của Đỗ Công Tiềm