Hoài Thượng, vùng đất ven sông khởi sắc

10/05/2024 17:15 Số lượt xem: 515
Nằm bên sông Đuống, xã Hoài Thượng (thị xã Thuận Thành) là đất “quê thầy - đất thợ” với truyền thống hiếu học và những thợ mộc, thợ dệt nổi tiếng khắp vùng. Người Hoài Thượng đến nay vẫn nhanh nhạy trong việc giao thương, mở mang nghề mới phát triển kinh tế nhưng cốt cách văn hiến, thuần phong mỹ tục vẫn được giữ gìn, bồi đắp tạo nền tảng quan trọng cho địa phương trên tiến trình xây dựng Nông thôn mới Nâng cao.

Một ngày nắng mới lên, chạy xe trên con đường nhựa thênh thang vào thôn Đại Mão giữa những đồng chuối, cam, chanh xanh mát, điểm tô thêm hàng hoa bên đường được cắt tỉa gọn gàng, chúng tôi cảm nhận nhịp sống của một làng quê đang đổi mới mạnh mẽ nhưng vẫn hiển hiện những dấu xưa, tích cũ.
Xã Hoài Thượng có 9 thôn, làng nhưng 7 làng nằm ngoại đê sông Đuống. Trước năm 1978, Hoài Thượng luôn đối mặt với lũ lụt hàng năm, diện tích đất bãi vì thế không thể khai thác hết tiềm năng nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Mênh mang sông Đuống, cỏ triền đê xanh mướt màu nhung chạy dài tới tận mép nước. Trời cũng xanh và đất quê ta vẫn nâu trầm mưa nắng, đất thương người thấm trọn giọt mồ hôi nuôi những bãi mía, đồng ngô mướt mát, kết thành những lũy tre nặng trĩu ân tình. Khoảng năm 1978-1979, người dân Hoài Thượng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền dồn lực đắp hệ thống đê quai trị thủy. Từ đây, dòng sông Đuống với nguồn nước mát lành và phù sa màu mỡ làm xanh thêm những bãi mía, đồng dâu, ngô, lúa tốt tươi dần khởi sắc cho vùng quê nghèo khó.

 

Người dân Hoài Thượng hân hoan trước sự đổi mới toàn diện của quê hương.


Công nghiệp về làng, nghề mới về nông thôn đem đến sức sống làm thay đổi vùng đất ven sông vốn trước đây nghèo khó. Bây giờ đường quê không còn gồ ghề, lồi lõm vết chân trâu mà phẳng lỳ bê tông, nhà cao tầng được quy hoạch như phố. Cụ ông Nguyễn Đình Nghiễn đã gần 80 tuổi thong dong đạp xe trên trục chính dẫn tới trụ sở hành chính xã, chúng tôi vui vẻ bắt chuyện. Cụ hào hứng: “Trải qua dòng chảy thời cuộc, từ một vùng quê nằm gần trọn ngoại đê sông Đuống, quanh năm ngập lụt, tôi không tưởng tượng được có ngày lại được sống ở ngôi làng của mình với những căn nhà khang trang bề thế, đường sá đi lại thuận tiện, các dịch vụ đầy đủ, đời sống bà con khấm khá hơn. Mùa nước lên không còn là nỗi kinh hoàng mà trở thành niềm mong mỏi dòng phù sa vun tưới cho đất đai tươi tốt, đem lại mùa vụ bội thu. Thôn quê rộn ràng, các ngành nghề dịch vụ mở ra đem lại nguồn thu đáng kể cải thiện đời sống cho bà con”.
Cùng lúc đó, đôi bạn trẻ Nguyễn Thị Ngọc - Nguyễn Trọng Nghĩa diện bộ áo dài đỏ truyền thống phấn khởi bước ra khỏi bộ phận một cửa UBND xã với giấy chứng nhận đăng ký kết hôn trên tay. “Em là người dân của phố Hồ, hôm nay về quê chồng làm việc trọng đại của cuộc đời mình. Chúng em rất hạnh phúc và sẽ khắc ghi giây phút được sự công nhận của chính quyền thành vợ - chồng diễn ra một cách trang trọng, được cán bộ xã niềm nở tiếp đón, hướng dẫn nhiệt tình để sớm trở về chung vui với 2 họ” - bạn Ngọc tươi cười cho biết.
Chia sẻ niềm vui với người dân, ông Hồ Văn Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Thượng khẳng định: “Xây dựng Nông thôn mới được xác định là hành trình lâu dài, chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc. Vậy nên chúng tôi luôn coi người dân là chủ thể, mọi việc làm đều phải được người dân hiểu, đồng tình và chung tay thực hiện”. Thật vậy, khởi động xây dựng Nông thôn mới ngay từ giai đoạn đầu chương trình được triển khai, đến năm 2016, Hoài Thượng được công nhận xã Nông thôn mới trước 2 năm so với kế hoạch. Nhiệm kỳ 2020-2025, Hoài Thượng là một trong những xã đi đầu của thị xã Thuận Thành thực hiện chương trình Nông thôn mới nâng cao. Qua rà soát sơ bộ của Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới Thị xã Thuận Thành, tới nay, Hoài Thượng đạt được cơ bản 19/19 tiêu chí và đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để được đánh giá, công nhận.
Để có được kết quả đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đồng lòng quyết tâm thực hiện các mục tiêu ở từng giai đoạn. Trước hết, để đời sống người dân được nâng lên, phát triển kinh tế được coi là yếu tố then chốt. Bên cạnh nghề mộc truyền thống tại các thôn Bình Cầu, nghề làm màn khung ở khắp các thôn, chính quyền xã cũng tích cực vận động người dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ những thửa ngô, đỗ trồng manh mún, đã có những vườn cam, nho, chuối rộng hàng chục ha được hình thành. 4 sản phẩm tiêu biểu của Hoài Thượng là cam canh hữu cơ, cam Vinh hữu cơ, bưởi đào đường (HTX Tiến Dũng), ỷ thờ (hộ kinh doanh Đỗ Quang Tĩnh) được công nhận OCOP, tiêu thụ ở các kênh ổn định và bước đầu giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ vậy, trong điều kiện khó khăn nhưng đánh giá kết quả năm 2023, kinh tế Hoài Thượng vẫn phát triển khá. Tổng sản phẩm xã hội của xã đạt 719 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ, trong đó thu từ nông nghiệp đạt 74,9 tỷ đồng, thu từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ là 644,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân 70,1 triệu đồng/ người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 0,25%.
Về cơ sở hạ tầng nông thôn, bên cạnh việc cân đối ngân sách của chính quyền xã để triển khai các hạng mục, nhiều công trình huy động được nguồn lực đóng góp về tiền của, công sức của nhân dân. Nhiều ngôi đình, chùa được xây dựng tu sửa để đáp ứng nhu cầu về thiết chế văn hóa của địa phương. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, các công trình công cộng đều khang trang. Toàn xã có 34,2 km đường được cứng hóa, 100% đường trục chính nội đồng vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Cả 3 trường THCS, tiểu học và mầm non đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. 9/9 thôn đều có điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi.
Đời sống vật chất tăng lên, đời sống tinh thần của người dân cũng ngày càng được quan tâm. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa được chính quyền, các cấp hội, đoàn thể triển khai đa dạng dưới nhiều hình thức và được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Hết năm 2023, 97,39% hộ đạt gia đình văn hóa và 15% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu 3 năm liền, 9/9 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa. Các câu lạc bộ dân vũ, aerobic, bóng chuyền hơi, dưỡng sinh… hoạt động sôi nổi vừa giúp người dân nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, vừa là không gian gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Bảo vệ môi trường của làng quê, mỗi người dân Hoài Thượng đều có thói quen giữ gìn môi trường sống. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 100%, tỷ lệ hộ gia đình phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt 65,4%, tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái chế đạt 90%, tỷ lệ hỏa táng đạt 54,4%. Hàng tháng, địa phương tổ chức ngày Chủ nhật xanh với sự tham gia của các lực lượng như cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên dọn dẹp vệ sinh mỗi con đường từ nhà ra ngõ, những nơi sinh hoạt cộng đồng sạch đẹp.
Trên con đường tiến tới một nông thôn hiện đại, người Hoài Thượng vẫn gìn giữ, phát triển những mỹ tục đặc trưng văn hóa của địa phương. Lần giở Hương ước của làng Đại Mão, ông Lê Đình Văn, Trưởng thôn Đại Mão chia sẻ: “Đại Mão là thôn lớn nhất của xã Hoài Thượng với 17 dòng họ có truyền thống sinh hoạt riêng. Bên cạnh những quy định của pháp luật hiện hành, làng duy trì thực hiện Hương ước này để điều chỉnh hành vi của những người con quê hương và quy tụ những nét đẹp của các dòng họ. Hương ước có 4 chương quy định chi tiết về các nội dung: Xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tân gia, chúc thọ, tổ chức lễ hội truyền thống và công tác khuyến học; nếp sống trật tự, kỷ cương, đoàn kết thôn, xóm, bảo vệ công trình công cộng, tài nguyên, cảnh quan… Bám theo lệ làng, toàn bộ 1.208 hộ với 4.132 nhân khẩu trong làng sống văn minh, đoàn kết với nhau, là động lực quan trọng để Đại Mão xây dựng Làng Nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu của thị xã Thuận Thành”.
Tiếp tục lộ trình xây dựng Nông thôn mới, Hoài Thượng đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí gắn với phát triển đô thị tạo ra bộ mặt kinh tế- xã hội hiện đại. Bên cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng về đường, trường, trạm, các công trình công cộng, xã triển khai các giải pháp đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin…Tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì, giữ vững những tiêu chí mềm nhưng dễ biến động như văn hóa, môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự...Quan trọng hơn là trong mọi nhiệm vụ, hành trình xây dựng nông thôn đều huy động sức dân, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Bên dòng sông Đuống đầy ắp phù sa đắp bồi những xóm thôn trù mật, làng mạc đông đúc, chợ quê tấp nập, mái đình thâm nghiêm, trầm mặc lắng đọng da diết những đêm hội làng, người dân Hoài Thượng trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nền tảng vững chắc trong hành trình xây dựng Nông thôn mới.

Ghi chép của Hoàng Mai-Huyền Thương