Chuyển đổi số trong đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay

10/06/2024 09:03 Số lượt xem: 216
Với nhiều ý kiến tham luận thiết thực, Hội thảo khoa học Quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” được Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức góp phần triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Những thách thức mới đặt ra đối với công tác đào tạo báo chí, truyền thông

 

Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh

 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng, làm thay đổi căn bản nhiều mặt hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động báo chí - truyền thông. Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí, để vừa phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của công chúng, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại, đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực cho sự phát triển của báo chí - truyền thông nước nhà.

Thời gian qua, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông sớm tích hợp, đưa các nội dung của chuyển đổi số vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các chương trình khung, chương trình chi tiết của từng chuyên ngành, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Tuy nhiên, bối cảnh chuyển đổi số đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần xác định lại triết lý, mục tiêu đào tạo phù hợp với xu thế mới; sớm xây dựng một khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí, truyền thông của quốc gia, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là những thách thức mới đặt ra đối với công tác đào tạo báo chí, truyền thông trong nước, nhất là trong bối cảnh chất lượng đào tạo có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc chậm được đổi mới về phương pháp, việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực, xây dựng cơ chế riêng cho đào tạo báo chí, truyền thông còn nhiều bất cập, thiếu thốn.

Hiện nay, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tin học hóa và số hóa dữ liệu, mà còn là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông trên nền tảng công nghệ số. Cụ thể như: thay đổi mô hình quản trị toà soạn; tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý hệ thống; quy trình sản xuất, phát triển nội dung và phương thức tác nghiệp báo chí - truyền thông đa nền tảng; vấn đề tiếp thị công chúng; phương thức quản lý dữ liệu, văn hóa báo chí - truyền thông...

Ngoài nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào, thì khả năng thích nghi của mỗi cơ quan báo chí, truyền thông với một tương lai kỹ thuật số sẽ tùy thuộc vào việc phát triển được hay không một thế hệ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người làm công tác báo chí - truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số. Điều này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay, để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số.

 

Những thách thức trong công tác đào tạo báo chí, truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số

 

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Hiện nay chất lượng đào tạo đang chưa đồng đều giữa các cơ sở đào tạo. Nhiều cơ sở đào tạo ngoài công lập cũng đào tạo các lĩnh vực gần với báo chí, tuy nhiên chất lượng chưa được kiểm định. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ giảng dạy báo chí của các cơ sở đào tạo hiện còn mỏng, trong đó, không có nhiều cán bộ giảng dạy đã trải nghiệm và có kinh nghiệm làm báo thực tế. Cơ sở vật chất tuy được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo của lĩnh vực báo chí, nhất là trong bối cảnh báo chí chuyển đổi mạnh mẽ trong bối cảnh truyền thông số. Hệ thống bài giảng, giáo trình còn thiếu, và ít cập nhật. Đặc biệt, vẫn còn khoảng cách lớn giữa lý thuyết được đào tạo trên giảng đường với thực tiễn nghề báo sôi động.

Vì thế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các cơ quan báo chí, để sản phẩm đào tạo của các trường là đào tạo đội ngũ nhân lực báo chí truyền thông chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu khắt khe của các nhà tuyển dụng. Cần tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc mở ngành đào tạo báo chí, xuất bản, truyền thông, nâng chuẩn đào tạo ngành này theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và xã hội. Cần có sự tham gia, phối hợp để cùng thảo luận và sớm ban hành khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng báo chí phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ báo chí trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, của truyền thông kỹ thuật số.

Một trong những vấn đề quan trọng để có thể định hướng sự phát triển của báo chí Việt Nam, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của báo chí Việt Nam là phải gắn đào tạo với nghiên cứu báo chí.

Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghiệp vụ báo chí số

 

PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam

 

Từ thực tiễn hoạt động báo chí và đào tạo báo chí trong giai đoạn chuyển đổi số hiện này, cần xác định rõ về yêu cầu sống còn trong việc nâng cao năng lực và đổi mới mô hình đào tạo báo chí số với cả các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo chí, các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông.

Đẩy mạnh đổi mới, liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển của báo chí số. Theo đó, cần tái cấu trúc mô hình đào tạo, xây dựng lại triết lý giáo dục, xác định rõ đầu vào, đầu ra và tất cả các yếu tổ của quá trình đào tạo nghiệp vụ báo chí số.

Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo báo chí, các doanh nghiệp, các Hiệp hội, Viện nghiên cứu và các cơ quan báo chí để với các tổ chức truyền thông để xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế. Tăng cường liên kết 4 nhà trong đào tạo nghiệp vụ báo chí số (Nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu phát triển và ứng dụng, nhà sáng chế công nghệ). Mời các chuyên gia, nhà báo giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí số tham gia giảng dạy, nghiên cứu, tránh tình trạng “cơm chấm cơm".

Tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo; bảo đảm các phòng học chức năng đủ tiêu chuẩn, đảm bảo điều kiện tối thiểu về giáo trình, tài liệu học tập, thư viện số cập nhật thường xuyên các tài liệu mới. Tạo điều kiện cho sinh viên thực hành và rèn luyện kỹ năng báo chí số, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và học tập suốt đời cho sinh viên. Cần tiếp tục với chất lượng cao hơn nữa mối liên kết giữa nhà trường với nhà tuyển dụng. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao.

Đào tạo nguồn nhân lực báo chí địa phương đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

 

TS. Nguyễn Tiến Vụ, Tổng Biên tập Báo Bắc Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh

 

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội đang tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các cơ quan báo chí. Để tồn tại và phát triển, các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường. Cùng với báo chí cả nước, hệ thống báo chí địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi số; từng bước chuyển đổi mạnh mẽ cả trong tư duy và hành động, đầu tư đổi mới công nghệ, thay đổi phong cách làm báo mới. Một số cơ quan báo chí ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý, xuất bản báo điện tử; xây dựng phần mềm tòa soạn hội tụ, đổi mới quy trình xuất bản báo in và báo điện tử, phát thanh-truyền hình tích hợp trên cùng một nền tảng với nhiều tiện ích mới, rút ngắn được thời gian xuất bản.

Các cơ quan báo chí đã xây dựng giải pháp lưu trữ dữ liệu tập trung tại tòa soạn, giúp cho việc quản lý, chia sẻ và sử dụng dữ liệu của tòa soạn được thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả hơn; xây dựng tòa soạn đa nền tảng trên phiên bản báo điện tử, tăng cường các thể loại đang là xu hướng được bạn đọc quan tâm như: E-magazine, Podcast, Infographic, video ngắn, TikTok... đem lại hiệu quả tích cực trong việc cung cấp thông tin đa loại hình tới công chúng.

Từ thực tiễn hiện nay, việc đào tạo nhà báo đa phương tiện thích ứng với chuyển đổi số trong tòa soạn là vấn đề cấp bách và cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Để đáp ứng tốt yêu cầu một cách có hiệu quả, cần có những giải pháp cụ thể: Nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ quản lý và nguồn nhân lực trong các tòa soạn báo chí địa phương. Tăng cường kỹ năng, công nghệ hiện đại, kiến thức ngoại ngữ và tin học cho đội ngũ người làm báo địa phương. các tòa soạn báo địa phương cần chủ động tăng cường công tác đào tạo, tổ chức các lớp bồi dưỡng hoặc cử phóng viên, biên tập viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thực về xây dựng mô hình tòa soạn đa phương tiện, tòa soạn hội tụ, chuyển đổi số, sản xuất long-form cho báo mạng, sản xuất Podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, làm báo bằng facebook, thiết kế đồ họa, về sản xuất và dựng tin truyền hình trên smartphone...

Cùng với đó, cần tăng cường sự gắn kết giữa các cơ quan báo chí với Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong đào tạo, hoạch định phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển các cơ quan báo chí địa phương giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.

Đào tạo bồi dưỡng nhà báo số là lựa chọn tất yếu của cơ quan báo chí 

 

PGS, TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị

 

Thực tiễn đời sống báo chí truyền thông hiện nay ở nước ta cho thấy, từ kỹ năng tác nghiệp của phóng viên đến công tác quản lý, điều hành của một số cơ quan báo chí hiện chưa có sự đột phá nhiều để thích ứng với môi trường chuyển đổi số báo chí. Không ít cơ quan báo chí vẫn hoạt động theo mô hình quản lý truyền thống.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông khiến hội tụ truyền thông trở thành xu thế phát triển tất yếu của báo chí hiện đại. Trong bối cảnh đó, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo số là công việc cần thiết, cấp bách hơn bao giờ hết. Nhà báo số với vốn kiến thức toàn diện; kỹ năng nghiệp vụ đa dạng; tư duy sáng tạo kết hợp với năng lực nhạy bén: “học đi đôi với hành”; thích nghi với hoạt động quản lý kinh doanh và truyền thông đa phương tiện. Với những yêu cầu đó đòi hỏi công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần thay đổi quan niệm và mô hình tổ chức mới có thể giúp nhà báo nâng cao năng lực trong tác nghiệp, thích nghi với xu thế phát triển mới.

Việc kết hợp giữa đào tạo trong nhà trường và bồi dưỡng nghiệp vụ tại các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng, có thể giúp nhà báo được đào tạo lại, thích ứng với những công nghệ làm báo mới. Trong bất cứ môi trường nào, đào tạo đội ngũ người làm báo năng động, giỏi tác nghiệp trong thực tiễn là mục tiêu của ngành báo chí truyền thông chuyên nghiệp. Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho nhà báo số đã trở thành con đường phát triển tất yếu, cần chiến lược đào tạo bài bản và lâu dài. Mục đích cuối cùng là đào tạo ra những người làm báo gắn thực tiễn với đời sống báo chí và họ không phải chỉ là “đánh trận trên giấy”, mà cần có vốn kiến thức sâu rộng, kỹ năng tác nghiệp “đa năng”.

Lâu nay khung chương trình đào tạo báo chí của nước ta vẫn lấy nhu cầu của các cơ quan báo chí truyền thông làm nền tảng, ví dụ chuyên ngành báo chí truyền thống chủ yếu đào tạo phóng viên chuyên tác nghiệp cho báo phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử... Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, các phương tiện truyền thông truyền thống từng bước chuyển sang mô hình số hóa, sự khác biệt các “phương tiện truyền thông” đã bị phá vỡ, do đó, xây dựng một chương trình bồi dưỡng mới phù hợp với sự phát triển của truyền thông hội tụ đã trở thành bài toán quan trọng của các cơ sở đào tạo báo chí hiện nay trên thế giới.

Y.N