Đồng hành người khuyết tật

14/04/2024 21:35 Số lượt xem: 456
Thiếu sức khỏe, khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập, khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp luôn là những trở ngại mà người khuyết tật (NKT) phải đối mặt. Song, với sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, sự chung tay góp sức của cộng đồng, NKT trên địa bàn tỉnh có thêm động lực vượt qua số phận, trở thành người có ích trong xã hội.

Đối với NKT vận động, xe lăn được ví như đôi chân thay thế giúp họ thuận tiện trong di chuyển, sinh hoạt. 15 năm qua, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Công ty Samsung Việt Nam trao tặng hơn 2.000 xe lăn cho NKT tại các địa phương. Ông Nguyễn Thế Hải (xã Phú Hòa, huyện Lương Tài) bị khuyết tật vận động, đi lại khó khăn. Được nhận xe lăn từ chương trình, ông xúc động chia sẻ: “Tôi rất mừng khi được nhận xe lăn bởi nhờ có nó, mọi sinh hoạt trong cuộc sống trở nên thuận tiện hơn, giảm bớt gánh nặng cho người thân. Tôi rất cảm ơn các cấp, ngành và nhà tài trợ đã quan tâm, giúp đỡ tôi”.

 

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Công ty Samsung Việt Nam tặng xe lăn và quà cho NKT.


Chị Nguyễn Thị Lân (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành) bị khuyết tật chân bẩm sinh, song chị luôn nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, ngoài số tiền 600 nghìn đồng được nhận trợ cấp hàng tháng, chị còn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Vốn có đôi tay khéo léo, chị bén duyên với nghề đan móc. Trung bình mỗi tháng từ công việc này, chị có thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Chị Lân tâm sự: “NKT rất cần sự hỗ trợ, cảm thông của cộng đồng bởi thường có tâm lý mặc cảm, tự ti. Khi mọi người xung quanh tạo điều kiện giúp đỡ thì chúng tôi sẽ có động lực để tham gia vào các hoạt động xã hội, từng bước làm chủ cuộc sống bản thân”.
Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có khoảng 40 nghìn NKT, trong đó có gần 20 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng không có khả năng lao động được trợ cấp hàng tháng. Xác định công tác chăm lo, bảo đảm các chế độ chính sách cho NKT là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, tỉnh triển khai, nhiều chương trình, chính sách dành cho NKT, tạo điều kiện để NKT được tiếp cận với các dịch vụ y tế, trợ cấp trang thiết bị, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, giới thiệu việc làm; tổ chức nhiều hội thi, phong trào văn hóa - văn nghệ, thể thao dành cho NKT; thành lập các tổ chức để các thành viên NKT chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 35 nghìn NKT có thẻ BHYT; 100% NKT tâm thần ở các thể tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần tại cộng đồng được cấp sổ theo dõi và cấp phát thuốc thường xuyên hàng tháng…
Mới đây nhất, HĐND tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND về việc Quy định chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo, người cao tuổi và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh. Trong đó, NKT nặng, NKT đặc biệt nặng được hỗ trợ thêm bằng tiền mặt với  khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng và khu vực thành thị là 2.000.000 đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ này bảo đảm kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với NKT không còn khả năng lao động bằng với mức thu nhập chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 do Chính phủ quy định.
Không chỉ trợ giúp NKT từ ngân sách nhà nước, các sở, ngành, hội, đoàn thể trong tỉnh cũng triển khai các hoạt động xã hội hóa việc hỗ trợ NKT. Trong đó, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành, địa phương triển khai các chương trình, chính sách dành cho NKT, nhất là thực hiện có hiệu quả Luật NKT và huy động toàn xã hội chung tay trợ giúp NKT bằng nhiều hình thức. Năm 2023, Hội vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp bằng tiền và hiện vật tổng trị giá hơn 650 triệu đồng để thực hiện các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ khó khăn đột xuất cho NKT hoàn cảnh khó khăn; tặng 20 xe đạp, 25 suất học bổng cho học sinh là NKT, trẻ mồ côi; trao tặng hơn 1.300 suất quà Tết cho NKT các địa phương; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho khoảng 100 trẻ em; phối hợp với các cơ sở dạy nghề tuyển mới và dạy nghề cho 169 NKT…
Ông Ngô Bá Tiến, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: “Thời gian qua, chính sách, hoạt động trợ giúp NKT có sự thay đổi căn bản, chuyển dần từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo, từ thiện sang tạo động lực để cho NKT vươn lên. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ NKT ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành và cộng đồng giúp đời sống vật chất, tinh thần của NKT được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, công tác chăm lo cho NKT hiện vẫn còn những hạn chế. Đa số NKT đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chủ yếu sống dựa vào người thân trong gia đình và nguồn trợ cấp xã hội. Mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp; một bộ phận người dân xem công tác NKT là hoạt động nhân đạo, từ thiện; vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT…”.
Nhằm hỗ trợ và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NKT được tốt và toàn diện hơn, thời gian tới, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho tỉnh xây dựng các hoạt động trợ giúp NKT có tính khả thi, sát thực tế. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân với công tác NKT, triển khai các hoạt động trợ giúp NKT phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu của bản thân, từng bước tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp tích cực cho gia đình, xã hội.

Hoài Phương