“Cẩm nang” nâng cao chất lượng các kỳ thi tốt nghiệp THPT

13/09/2024 14:54 Số lượt xem: 390
Ba năm học gần đây, kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bắc Ninh có sự thay đổi ngoạn mục, từ vị trí trung bình về điểm thi đã vượt lên, vững vàng trong tốp đầu toàn quốc. Điểm nhấn là liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng thủ khoa, số lượng thí sinh có tổng điểm cao nhất ở các khối thi, số bài thi đạt điểm 10…

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

 

Đạt kết quả đáng tự hào nói trên có lẽ xuất phát từ yêu cầu của lãnh đạo tỉnh trong buổi làm việc với Sở GD-ĐT ngày 14-9-2020. Từ chỉ đạo của tỉnh, ngành GD-ĐT Bắc Ninh đã phát huy trí tuệ tập thể, tìm giải pháp cấp bách lẫn căn cơ với quyết tâm cao nhằm đạt các mục tiêu đề ra trong từng năm học. Trong tổng thể các giải pháp thì Kế hoạch 73/KH-SGDDT ngày 19-1-2021 của Sở GD-ĐT được xem là “cẩm nang” để ngành nâng cao chất lượng các kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nội dung Kế hoạch 73 là “Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, kết quả thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh” với những nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp khá cụ thể. Thời gian ban hành Kế hoạch 73 (ngày 19-1-2021) cũng chính là giai đoạn Bắc Ninh đang căng mình chống dịch COVID-19, học sinh các cấp của tỉnh phải nghỉ học để phòng, chống dịch. Với tinh thần “tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học”, Kế hoạch 73 đã đưa ra các giải pháp tổ chức dạy và học, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT đạt hiệu quả cao trong mọi tình huống, tại tất cả các cơ sở giáo dục có học sinh khối 12. Tháng 5-2021, dịch COVID-19 loang nhanh ở Thuận Thành, giáo viên Trường THPT Thuận Thành số 1 từ phòng cách ly vẫn miệt mài dạy ôn thi trực tuyến cho học sinh khối 12 đã tạo thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ để giáo viên, học sinh các cơ sở giáo dục vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt.
Năm học 2020-2021, trong điều kiện học sinh Bắc Ninh phải nghỉ học trực tiếp lâu nhất cả nước để phòng, chống dịch COVID-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Bắc Ninh là kỳ thi “2 trong 1” nghĩa là vừa tổ chức thi vừa phòng, chống dịch khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, Kế hoạch 73 được thực hiện tốt đã mang lại cho ngành những kết quả bước đầu đáng phấn khởi, từ vị trí 26 toàn quốc về điểm thi (năm 2020), Bắc Ninh đã vươn lên vị trí 19 (năm 2021), vượt mục tiêu đề ra. Trong đó ghi nhận nhiều thí sinh đạt thủ khoa, á khoa và số lượt thí sinh đạt 27 điểm trở lên. Nhờ sự động viên kịp thời của tỉnh đã tạo động lực để ngành tiếp tục vươn lên giành nhiều kết quả nổi bật hơn nữa trong những năm học tiếp theo.
Sở dĩ nói Kế hoạch 73 là “cẩm nang” bởi ngành GD-ĐT Bắc Ninh không chỉ kiên trì thực hiện mà luôn có sự sáng tạo phù hợp tuỳ điều kiện thực tế của ngành cũng như các cơ sở giáo dục trong từng năm học. Giải pháp xuyên suốt được ngành GD-ĐT kiên trì thực hiện trong 4 năm học vừa qua là: làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ thi; nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn, hiệu quả đội ngũ giáo viên cốt cán; xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề ôn tập đáp ứng trong từng giai đoạn; phân loại, tổ chức dạy học theo năng lực và nguyện vọng học sinh; nâng cao nghiệp vụ thi… Trong các giải pháp nói trên thì giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn, hiệu quả đội ngũ giáo viên cốt cán là quan trọng nhất. Từ những kiến thức lĩnh hội, đội ngũ cốt cán các bộ môn sẽ truyền cảm hứng đến các đồng nghiệp trước hết tại đơn vị sở tại rồi đến toàn ngành. Các cơ sở giáo dục, tuỳ điều kiện lại đặt ra các mục tiêu phấn đấu riêng, cùng góp phần vào kết quả chung của ngành GD-ĐT trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết thúc kỳ thi, Sở lại tổng kết, đánh giá và tuyên dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt Kế hoạch 73, đề ra nhiệm vụ trong năm học tiếp theo một cách bài bản với quyết tâm cao.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Theo đó, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ.
Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Kế hoạch 73 được thực hiện linh hoạt, sáng tạo đã nâng cao uy tín, vị thế ngành GD-ĐT qua kết quả các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ vị trí 19/63 tỉnh, thành phố (năm 2021), năm 2022 Bắc Ninh đã vươn lên vị trí số 6 toàn quốc về điểm thi; năm 2023 và 2024 vươn lên vị trí số 5, trong đó điểm nhấn đáng tự hào là Bắc Ninh luôn dẫn đầu và trong tốp đầu toàn quốc về số lượng thủ khoa, á khoa và số thí sinh đạt điểm cao nhất ở các khối thi cũng như số lượng bài thi đạt điểm 10.

Phát huy kết quả đạt được, chủ động đáp ứng yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với nhiều đổi mới căn bản toàn diện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngày 30-8 vừa qua, Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá toàn diện Kế hoạch 73 năm học 2023-2024; triển khai nhiệm vụ Kế hoạch 73 năm học 2024-2025. Tại Hội nghị, Sở GD-ĐT đã giải đáp tương đối thoả đáng các kiến nghị, đề xuất của các cơ sở giáo dục việc thực hiện Kế hoạch 73 trong năm học 2024-2025.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT và các đại biểu đều thống nhất, Kế hoạch 73, nếu được thực hiện bài bản và linh hoạt tùy điều kiện từng cơ sở giáo dục, vẫn là “cẩm nang” đáp ứng yêu cầu các kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm học này và những năm học tiếp theo. Vấn đề là tinh thần quyết tâm phải xuyên suốt từ lãnh đạo ngành, đến từng cơ sở giáo dục và mỗi giáo viên bộ môn, tạo thành phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong cả năm học mới có thể hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thanh Tú