Phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn mới

25/09/2024 19:35 Số lượt xem: 47
Giai đoạn 2024 - 2026, công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi bật là xu hướng gia tăng nhiễm HIV ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn này vì thế sẽ tập trung vào giải pháp nhằm giảm thiểu lây nhiễm ở đối tượng nguy cơ cao…

Số liệu tổng hợp 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh phát hiện 8 trường hợp HIV dương tính, giảm 12 trường hợp so cùng kỳ năm 2023; ghi nhận 6 trường hợp tử vong do AIDS. Lũy tích số người nhiễm HIV đến hết tháng 6 là 2.212 trường hợp, 1.292 trường hợp chuyển AIDS và 1.146 người tử vong do AIDS. Số nhiễm HIV còn sống 1.066 người, trong đó 936 người hiện quản lý tại địa phương, 884 người nhiễm HIV có thẻ BHYT (đạt 94,4%), 46 người mắc AIDS, trong đó 15 người được quản lý tại địa phương.
Toàn tỉnh tiếp tục duy trì 3 cơ sở điều trị Methadone và 1 điểm cấp phát thuốc; có 591 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 538 bệnh nhân đã điều trị trên 6 tháng. Về quản lý điều trị ARV, có 934 bệnh nhân đang điều trị tại các phòng khám ngoại trú, trong đó 66 bệnh nhân mới điều trị ARV.

 

Tư vấn trực tiếp cho đối tượng nguy cơ cao về điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV.

 

Trong nửa đầu năm 2024, có 590 người nghiện ma túy và 196 người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được tiếp cận chương trình dự phòng; 1.273 người được xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, tại cộng đồng, xét nghiệm lưu động và xét nghiệm online; tỉ lệ người nhiễm HIV đang điều trị ARV đạt 90,7% và 207 khách hàng nhận được ít nhất một lần dịch vụ PrEP trong thời gian trên.
Theo bác sĩ CKII Đinh Mai Vân, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Giai đoạn 2024-2026, Cục Phòng, chống HIV/AIDS triển khai Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại 39 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bắc Ninh là một trong những địa phương tiếp tục được thụ hưởng chương trình với 12 đơn vị thực hiện Dự án gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, 8 trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và Trại tạm giam - Công an tỉnh. Bên cạnh mục tiêu củng cố và tăng cường hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; trọng tâm của Dự án Quỹ toàn cầu giai đoạn 2024 - 2026 hướng đến mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV.
Về mục tiêu cụ thể, nâng tỉ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV lên 80% vào năm 2030. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỉ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng của mình, được điều trị thuốc kháng virus HIV lên 95%; tỉ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; góp phần loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong hoạt động phòng, chống AIDS và bảo đảm tính bền vững, phù hợp với tình hình thực tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tích cực triển khai các hoạt động của Dự án. Hoàn thành mục tiêu thiết lập và triển khai gói dịch vụ thiết yếu về can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao, gồm: Người nghiện ma túy, MSM, người chuyển giới nữ, người nghiện các chất dạng thuốc phiện đang tham gia điều trị thay thế bằng thuốc Methadone, hoạt động can thiệp giảm tác hại được phân chia nhóm đối tượng trọng tâm theo địa bàn cụ thể. Tại thị xã Quế Võ và các huyện Gia Bình, Lương Tài, triển khai mạnh các hoạt động can thiệp giảm tác hại cho nhóm nghiện ma túy; tại thành phố Bắc Ninh, các thị xã Quế Võ, Thuận Thành và huyện Tiên Du triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại cho nhóm MSM. Có tổng số 27 nhân viên tiếp cận cộng đồng sẽ tham gia hoạt động này.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cảnh báo về tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM đang có xu hướng tăng nhanh và MSM là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Nếu như trước đây, HIV lây nhiễm chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm thì những năm gần đây tỉ lệ nhiễm HIV của nhóm MSM tăng rõ rệt. Giám sát trọng điểm năm 2022 đã chỉ ra tỷ lệ nhiễm trong nhóm này là 12,5%, tăng nhanh so với năm 2012 chỉ có 4%.
Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) được triển khai tại tỉnh Bắc Ninh từ năm 2019. Từ một khách hàng ban đầu, đến hết năm 2023, số khách hàng nhận dịch vụ PrEP ít nhất một lần tại các cơ sở điều trị thuộc ngành Y tế Bắc Ninh 423 người, trong đó, khách hàng MSM chiếm tỉ lệ hơn 44%, nhóm dưới 35 tuổi là chủ yếu với tỉ lệ hơn 46%, khách hàng đang điều trị PrEP từ 3 tháng trở lên chỉ đạt chưa đến 26%.
Nhận diện rõ tình hình thực tế cũng như thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn mới, cùng với việc đẩy mạnh truyền thông can thiệp cộng đồng, ngành Y tế tăng cường các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm, xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS, điều trị viêm gan C và điều trị PrEP. Các hình thức tư vấn, xét nghiệm đa dạng, trong đó mở rộng xét nghiệm HIV online nhằm giúp người nghi nhiễm, đối tượng nguy cơ cao được bảo mật. Trước xu hướng tăng nhanh bệnh nhân nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đồng giới, việc triển khai điều trị PrEP vẫn được coi là một trong những giải pháp tối ưu góp phần hạn chế sự lây lan của dịch HIV, tiến tới hoàn thành mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Việt Hoa

Y tế