Những bước tiến trong chuyển đổi số ngành Y tế

29/08/2024 20:16 Số lượt xem: 202
Được coi là một điểm sáng của công cuộc chuyển đổi số, việc triển khai “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) là tiền đề quan trọng góp phần xây dựng, vận hành Chính phủ số, đi cùng với xã hội số, kinh tế số. Gắn với 7 nhiệm vụ cụ thể của Đề án 06, ngành Y tế Bắc Ninh đạt được những bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số.

Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2024, ngành Y tế Bắc Ninh cơ bản hoàn thành việc thực hiện 7/7 nhiệm vụ, chỉ tiêu thuộc Đề án 06 được đề ra trong năm 2023: Tỉ lệ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt 54,71%; đăng ký lưu trú cho bệnh nhân nằm điều trị nội trú đạt 91,44%; đăng ký khám Bảo hiểm y tế (BHYT) bằng Căn cước công dân (CCCD) đạt 93,08%; các nhiệm vụ: Liên thông giấy chứng sinh, giấy chứng tử, giấy khám sức khỏe lái xe, ký số hồ sơ công việc, làm sạch dữ liệu tiêm chủng và ký hộ chiếu vaccine duy trì đạt xấp xỉ 100%.

 

Người dân chỉ cần mang căn cước công dân khi đi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT.


So sánh với kết quả đạt được giữa năm 2023, có thể thấy chuyển biến rõ rệt ở kết quả đăng ký lưu trú cho bệnh nhân nằm điều trị nội trú, đăng ký khám BHYT bằng CCCD và liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử lên Cổng Giám định của BHXH. Cùng thời điểm này năm trước, mới chỉ có 3 đơn vị trong ngành triển khai đăng ký lưu trú cho bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại đơn vị với tỉ lệ thấp và rất thấp (từ hơn 2% - gần 16%). Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng công dân sử dụng thẻ CCCD khám chữa bệnh tra cứu có thông tin đạt 89%, tuy nhiên số lượng thực tế bệnh nhân đến khám dùng CCCD để thay thế BHYT vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 17,1% tổng số lượt bệnh nhân đến khám tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn. Về nhiệm vụ liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử lên Cổng Giám định của BHXH, tỉ lệ giấy khám sức khỏe lái xe liên thông chiếm tỉ lệ 94,7% tổng số giấy khám sức khỏe lái xe được cấp, song tỉ lệ giấy chứng sinh đã liên thông chỉ đạt 54,8% trong tổng số giấy chứng sinh đã cấp; số giấy chứng tử đã liên thông chỉ chiếm tỉ lệ 43,48%.
Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực Y tế của Đề án 06, thời gian qua, các địa phương và đơn vị khám, chữa bệnh còn tích cực triển khai/ thử nghiệm Bệnh án điện tử và cập nhật Hồ sơ sức khoẻ điện tử phiên bản nâng cao. Đây cũng là nhiệm vụ về chuyển đổi số của ngành Y tế. Đến nay, toàn ngành có 3 đơn vị triển khai thành công Bệnh án điện tử, gồm: Bệnh viện Sản - Nhi, Trung tâm Y tế huyện Yên Phong và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các đơn vị còn lại đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2025.  
Về sự chuyển biến tích cực này, bác sĩ Đào Khắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định sau hội nghị kiểm đếm việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Y tế của Đề án 06 vào giữa năm 2023, đồng loạt các giải pháp đã được đưa ra.
Giải pháp quan trọng đầu tiên là đẩy mạnh truyền thông để người dân, doanh nghiệp biết được lợi ích thiết thực, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ Đề án, trong đó tập trung tuyên truyền về những tiện lợi, lợi ích mang lại từ thói quen sử dụng CCCD, cài đặt ứng dụng VneID hoặc VssID trên điện thoại thông minh khi đi khám, chữa bệnh BHYT. Ở thời điểm đó, ngành Y tế đã phân tích cụ thể những khó khăn, vướng mắc của từng nội dung để tìm giải pháp phù hợp, hiệu quả. Về nội dung đăng ký khám bệnh BHYT bằng CCCD, nhiều người dân chưa biết được tiện ích khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD hoặc các ứng dụng trên điện thoại thông minh nên khi đi khám chữa bệnh vẫn mang chứng minh thư, các giấy tờ có ảnh như bằng lái xe, thẻ người cao tuổi... dẫn đến tỷ lệ người bệnh đến khám BHYT bằng thẻ CCCD còn thấp; một số trường hợp xuất trình thẻ CCCD để khám, chữa bệnh nhưng thẻ chưa tích hợp BHYT nên khi tra cứu không có thông tin. Về nội dung thanh toán không dùng tiền mặt, khó khăn trong thanh toán đối với trường hợp bệnh nhân tạm ứng thừa, bệnh viện không thể chi trả số tiền thừa bằng tài khoản của bệnh viện mà phải dùng tiền mặt; khó khăn trong cơ chế chi trả phí dịch vụ trong trường hợp bệnh nhân đã thanh toán nhưng sau đó lại hủy dịch vụ.
Ngành thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06, xác định rõ đây là nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và doanh nghiệp. Kịp thời đề xuất, kiến nghị để các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Mặc dù có chuyển biến tích cực, đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, ngành Y tế vẫn gặp những khó khăn nhất định trong quá trình nâng cao kết quả thực hiện Đề án 06. Trên thực tế, bệnh nhân cao tuổi chiếm tỉ lệ cao số lượng bệnh nhân đến khám điều trị các bệnh mạn tính hàng tháng, phần nhiều trong số đó chưa biết chuyển khoản, chưa biết thanh toán không dùng tiền mặt. Thêm vào đó, thời gian xác thực nhận tiền qua chuyển khoản còn lâu dẫn đến thủ tục thanh toán không dùng tiền mặt mất nhiều thời gian hơn hình thức thanh toán bằng tiền giấy thông thường… là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tăng khá cao song chưa có sự đột phá…
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đào Khắc Hùng, thời gian tới, để nâng cao kết quả thực hiện Đề án 06, giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trên môi trường số, ngành Y tế tập trung các giải pháp chính: Tiếp tục tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ trong ngành, người dân, bệnh nhân và doanh nghiệp về ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, Đề án 06; rà soát các nhiệm vụ và lên kế hoạch đầu tư thiết bị công nghệ thông tin; tổ chức ký cam kết với các lãnh đạo đơn vị trong triển khai Đề án, yêu cầu các đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; kịp thời khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích các cá nhân, tập thể…

Việt Hoa

Y tế