Tư duy mới trong giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, HTX

02/10/2024 21:11 Số lượt xem: 306
Thời gian qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã và ngày càng được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Từ nền tảng pháp lý đó tạo động lực cho các địa phương có bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển bền vững và hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật về đầu tư kinh doanh liên quan đến doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh còn gặp khó khăn, vướng mắc. Nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin của doanh nhân về quyết tâm và hành động thực tiễn của các cấp chính quyền, UBND tỉnh ban hành quy trình, cơ chế riêng cho việc này.
Thực hiện Kết luận số 1115-KL/TU ngày 8-7-2024 tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX; Kết luận số 135/TB-UBND ngày 17-9-2024 tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực phát triển... Theo đề nghị của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn số 343/HD-UBND ngày 25-9-2024 về “Quy trình, cơ chế giải quyết vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về đầu tư, kinh doanh liên quan đến doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh (gọi chung là đơn vị kinh doanh) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.

 

Hướng dẫn số 343/HD-UBND những vướng mắc của các dự án đầu tư vào Bắc Ninh sẽ có quy trình, cơ chế giải quyết cụ thể.

 


Cụ thể, có 5 bước giải quyết đối với hồ sơ, dự án gặp vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về đầu tư, kinh doanh.
Bước 1: Khi nhận thấy hồ sơ, dự án gặp vướng mắc, cán bộ thụ lý phải báo cáo Trưởng phòng; Trưởng Phòng báo cáo Giám đốc sở, cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện; hình thức báo cáo, hồ sơ xác lập do thủ trưởng cơ quan quy định.
Bước 2: Xác định thẩm quyền giải quyết thuộc Cơ quan chủ trì hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh hoặc cấp cao hơn.
Bước 3: Người đứng đầu cơ quan chủ trì rà soát và giải quyết theo thẩm quyền, kể cả trong trường hợp hồ sơ, dự án có vướng mắc cần xin ý kiến các ngành, đơn vị liên quan theo các quy định hiện hành để giải quyết theo phương án người đứng đầu lựa chọn. Trong trường hợp hồ sơ phức tạp, người đứng đầu chưa lựa chọn được cách thức giải quyết tối ưu nhất, thì chỉ đạo xây dựng phương án giải quyết cho từng hồ sơ, dự án để thảo luận giải quyết theo thẩm quyền hoặc thông qua Tổ chuyên gia gỡ khó. Thời gian hoàn thành bước 1, 2, 3 không quá 12 ngày làm việc kể từ khi cán bộ tổng hợp hồ sơ, dự án vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật đầu tư, kinh doanh liên quan đến tổ chức kinh doanh hoặc tổ chức khác đề nghị.
Bước 4: Báo cáo cơ quan giải quyết thuộc thẩm quyền cho chủ trương giải quyết mỗi tháng 2 lần các cơ quan được giao chủ trì giải quyết báo cáo: Trưởng Phòng báo cáo tập thể lãnh đạo cơ quan (sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh) hoặc giao ban của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; Thủ trưởng cơ quan chủ trì hoặc các Tổ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Bước 5: Cơ quan chủ trì kết luận giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh kết quả; Đối với đề xuất phương án giải quyết thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh, Cơ quan chủ trì hoặc thường trực Tổ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo họp Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp hoặc thảo luận tại phiên họp giao ban Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh hoặc phiên họp UBND tỉnh thường kỳ hằng tháng, để thống nhất phương án giải quyết. Trường hợp nội dung giải quyết cần báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo quy định thì UBND tỉnh tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh có tờ trình/báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Đây được coi là cách làm mới, mang tính sáng tạo và đột phá, thể hiện sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo tỉnh trong việc đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương và người đứng đầu các cơ quan chủ động giải quyết vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Các cơ quan quản lý nhà nước rà soát và lập chương trình công tác hằng tháng giải quyết các vụ việc vướng mắc của đơn vị kinh doanh. Đối với mỗi hồ sơ, dự án bị vướng mắc cần xây dựng phương án cụ thể để giải quyết. Trong đó phải chỉ rõ sự cần thiết, mục đích, yêu cầu của việc tháo gỡ; các căn cứ, cơ sở pháp lý và thực tiễn; xác định rõ “nút thắt” để giải quyết được hồ sơ, dự án.
Cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, dự án mà không báo cáo cấp trên trực tiếp theo quy trình công tác thì tùy theo mức độ có thể bị xem xét là cố tình trì hoãn, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao, gây khó khăn cho tổ chức kinh doanh, xem xét xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nguyễn Phương Bắc nhận định: Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng tích cực, có sự đột phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, đặc biệt là dự án FDI của các Tập đoàn toàn cầu. Trong khi còn khoảng trống giữa chính sách và thực thi chính sách, dẫn tới khó khăn, ảnh hưởng tới thời gian thực hiện các dự án, việc áp dụng quy trình, cơ chế giải quyết các vướng mắc này sẽ giúp khơi thông nguồn lực phát triển. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động thực thi nhiệm vụ, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; không cản trở, đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình giải quyết, hoặc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân.

Thái Uyên

Kinh Tế