Tăng trưởng xuất khẩu kỳ vọng những tháng cuối năm

26/09/2023 21:33 Số lượt xem: 1152
Liên tục trong bốn tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, cũng như tỉnh Bắc Ninh tháng sau cao hơn tháng trước. Đây là những tín hiệu vui, là cơ sở để kỳ vọng xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế phục hồi trong những tháng cuối năm.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 của cả nước ước đạt 32,37 tỉ USD, tăng 7,7% so tháng trước. Nhìn tổng thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 so các tháng như tháng 5 (tăng 4,3%); tháng 6 (tăng 4,5%); tháng 7 (tăng 0,8%) thì mức tăng của tháng 8 là rất khả quan. Trong bức tranh màu xám của kinh tế thế giới, sự phục hồi này là kết quả của việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp của Chính phủ, các địa phương nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Tỉnh Bắc Ninh có nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn bị tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nên những tháng đầu năm sản xuất giảm mạnh. Sau 5 tháng liên tục giảm, đến tháng 6 chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh tăng so với tháng trước (+13,14%), các sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng mạnh như: Máy in (+15,3%); điện thoại thông minh (+13,6%); linh kiện điện tử (+20,6%)...và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đến nay. Cùng xu hướng biến động theo chiều tăng của sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh cũng gia tăng những tháng gần đây. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 2,24 tỉ USD, tháng 6 đạt 2,9 tỉ USD, tháng 7 đạt 3,4 tỉ USD, tăng khá nhiều (+17,5%) so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh tăng trưởng. Lũy kế 7 tháng năm 2023, xuất khẩu đạt 20,6 tỉ USD, đứng thứ 2 cả nước; kim ngạch nhập khẩu đạt 17,5 tỉ USD, đứng thứ 3 cả nước. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng, xuất siêu 3,1 tỉ USD, bằng 15,1% kim ngạch xuất khẩu.

 

Sam sung  tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nhiều sản phẩm dịp cuối năm.


Điểm sáng ở đây vẫn là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (là ngành công nghiệp chủ lực) đạt mức tăng khá (+9,45%), tập trung chủ yếu là sản xuất linh kiện điện tử tăng lên do nhu cầu thị trường, bên cạnh đó vẫn duy trì sản xuất dòng sản phẩm mới. Các doanh nghiệp FDI đã có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu từ nay đến cuối năm. Điển hình như tập đoàn Samsung tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nhiều sản phẩm, trong đó có những mẫu điện thoại mới xuất sang các thị trường trên phạm vi toàn cầu.
Từ nay đến cuối năm 2023, dự báo bối cảnh kinh tế thế giới cũng còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nhưng vẫn có những yếu tố có thể kỳ vọng từ nay đến cuối năm các đơn hàng xuất khẩu sẽ phục hồi, đó là: Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu Việt Nam; Đức đang tìm kiếm các nhà cung cấp từ Việt Nam nhiều hơn; nền kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự kiến… Với mục tiêu tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất nhập khẩu, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA với đối tác tiềm năng khác để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Phát huy vai trò vị trí tiền tiêu để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thẩm định năng lực của doanh nghiệp đối tác... Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, cần nắm rõ các cam kết, quy tắc của các FTA mà Việt Nam đang là thành viên, chú trọng tính chặt chẽ trong nội dung, điều khoản hợp đồng; bảo đảm chất lượng hàng hóa, tăng cường các sản phẩm gắn với tiêu chí sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, đây là một trong những tiêu chí hàng đầu đang được nhiều thị trường áp dụng, đặc biệt là các nước châu Âu.
Với sự chủ động, tích cực, sát sao của các cấp, các ngành, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và nhất là cộng đồng doanh nghiệp, có thể tin tưởng vào kết quả khả quan về kim ngạch xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2023.

Thái Uyên

Kinh Tế