Sớm vận hành ổn định các Nhà máy điện rác

31/10/2024 21:25 Số lượt xem: 181
Bắc Ninh là địa phương tiên phong đi đầu cả nước về xã hội hoá xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ cao phát năng lượng, tiến tới giải quyết triệt để lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, một trong những tác nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường.

Các Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng đã vận hành thử nghiệm từ cuối năm ngoái, bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực, bảo đảm yếu tố môi trường bền vững. Tuy nhiên, quá trình vận hành còn một số vướng mắc, rất cần sự tháo gỡ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước để sớm đưa các Nhà máy đi vào vận hành ổn định.

 

Hệ thống giám sát, điều hành đốt rác tự động tại Nhà máy điện rác Lương Tài.

Nhà máy điện rác tại xã Ngũ Thái (thị xã Thuận Thành) do Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành và Tập đoàn JFE Nhật Bản hợp tác đầu tư, công suất xử lý 500 tấn rác/ ngày, đêm, công suất phát điện từ 11-13 MW, được vận hành thử nghiệm từ tháng 11-2023, theo kế hoạch sẽ vận hành chính thức vào tháng 6-2024, nhưng đến thời điểm hiện tại, Nhà máy vẫn đang hoàn tất các thủ tục để kết thúc vận hành thử nghiệm, đi vào vận hành thương mại. Theo ông Vũ Mạnh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành: Quá trình vận hành thử nghiệm, Nhà máy đã tiếp nhận đủ rác từ các địa phương thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, thị xã Thuận Thành và huyện Tiên Du, vận hành hết công suất, bảo đảm đúng quy trình, năng lực xử lý; đã được nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy; cấp phép môi trường; hoàn thành hoà lưới điện quốc gia đồng bộ; đang vận hành chạy thử các công trình bảo vệ môi trường và làm thủ tục nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công trình với Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Nhà máy chưa được ký hợp đồng xử lý rác thải, bao gồm cả đơn giá xử lý rác thải với UBND tỉnh; chưa xin được cấp phép hoạt động điện lực với Cục điều tiết điện lực, Bộ Công Thương; chưa xin xác nhận vận hành thương mại COD với Tập đoàn điện lực Việt Nam… dẫn đến chưa có đơn giá xử lý chính thức, giá xử lý hiện tại thấp hơn chi phí sản xuất rất nhiều, chưa có doanh thu bán điện… Điều này gây thiệt hại không nhỏ cho Nhà máy, hoạt động không có lãi, vẫn đang phải bù lỗ.
Đố với Nhà máy điện rác tại xã An Thịnh (Lương Tài) do Công ty TNHH năng lượng mới EU-CONCH VENTURE Bắc Ninh làm chủ đầu tư, công suất xử lý 300 tấn rác/ ngày, đêm, công suất phát điện 6 MWh, được vận hành thử nghiệm tháng 11-2023, vận hành thương mại vào tháng 4-2024, đang tiếp nhận và xử lý rác thải cho các huyện Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài. Quá trình hoạt động, Nhà máy bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường, khí thải, tro xỉ sau xử lý, được đơn vị thứ 3 có đủ năng lực giám sát và kiểm tra định kỳ các chỉ số về môi trường. Đồng thời truyền dữ liệu giám sát môi trường online về Sở Tài nguyên và Môi trường theo yêu cầu để giám sát, theo dõi. Điều đáng ghi nhận là Nhà máy đã thành lập Công đoàn cơ sở, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động; môi trường làm việc của Nhà máy xanh, sạch, đẹp, tạo sự yên tâm, gắn bó lâu dài của tập thể cán bộ, công nhân viên trong Nhà máy.
Tuy nhiên, lượng rác cung cấp cho Nhà máy hiện vẫn thiếu trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến hệ thống dây chuyền vận hành, doanh thu của Nhà máy (mới tiếp nhận, xử lý được 200 tấn rác/ngày, đêm); đơn giá xử lý rác quá thấp, giá xử lý các khâu bảo vệ môi trường lại cao, khiến Nhà máy vẫn phải bù lỗ; do biến động của lưới điện quốc gia, thường xuyên bị ngắt điện, ảnh hưởng không nhỏ đến chu trình vận hành bình thường của Nhà máy; lượng tro xỉ đã được xử lý đạt chuẩn có thể tái sản xuất làm vật liệu xây dựng, san lấp nền, nhưng nay chưa được sử dụng, vẫn tập kết tại Nhà máy…
Đó là những khó khăn chung của các Nhà máy điện rác trên địa bàn tỉnh hiện nay. Trước thực tế đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng phối hợp với chủ đầu tư các Nhà máy điện rác để sớm giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc, giúp các Nhà máy hành ổn định, đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường chung của tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp các kiến nghị, đề xuất về xác định đơn giá, điều chỉnh tiến độ dự án, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt; Sở Xây dựng rà soát, kiểm nghiệm, giúp Nhà máy điện rác Lương Tài tiêu thụ lượng tro xỉ hợp chuẩn.
Với cương vị quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, điển hình là huyện Yên Phong tập trung thu gom, vận chuyển lượng rác thải tồn đọng về Nhà máy điện rác Lương Tài để xử lý, đáp ứng đủ công suất, bảo đảm năng lực xử lý hiệu quả nhất… để đến quý I-2025, các Nhà máy điện rác vận hành ổn định, đáp ứng thành công mục tiêu xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt phát sinh (khoảng 1.500 - 1.700 tấn/ ngày, đêm), bảo đảm các yếu tố tăng trưởng xanh, bền vững.

Hoài Anh

Kinh Tế