Khơi thông điểm nghẽn

17/11/2023 16:43 Số lượt xem: 994
Hiện nay, nhiều dự án xây dựng giao thông trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ, ảnh hưởng đến giao thương phát triển kinh tế - xã hội chung. Rào cản lớn nhất vẫn là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án. Chính vì vậy, để khơi thông các điểm nghẽn, đẩy nhanh các dự án, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, hoàn thiện phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh, đáp ứng tiêu chí “giao thông đi trước một bước” trong chiến lược xây dựng một Bắc Ninh năng động, hội nhập sâu rộng.

Theo số liệu từ Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông, Sở Giao thông vận tải (GTVT), trong tổng số 12 dự án đang triển khai xây dựng gối từ những năm trước và 4 dự án mới khởi công trong năm 2023 do Ban làm chủ đầu tư đều đang bị chậm tiến độ, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, giá vật liệu xây dựng tăng cao, thay đổi quy mô thiết kế… Điển hình là dự án đầu tư xây dựng cầu Nét Km77+00, đường ĐT.295, đoạn  Yên Phong - TP Từ Sơn. Công trình được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng từ năm 2018, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đã xin gia hạn thời gian hoàn thành trong năm 2023 song dựa vào tình hình thực tế thì công trình khó có thể hoàn thành đúng tiến độ. Nguyên nhân chính là do một số hộ dân cố tình không nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng triển khai dự án. Đây là một thách thức lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm này.

 

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh các dự án xây dựng giao thông.

 

Hiện tại, trên công trình ở những đoạn được bàn giao mặt bằng đã thi công xong cầu tạm; đúc xong dầm cầu 30/30 phiến dầm; phá dỡ xong cầu cũ…; giá trị thực hiện đạt khoảng 44,32% giá trị hợp đồng. Song, phía huyện Yên Phong vẫn chưa có mặt bằng thi công do vướng 12 hộ dân ở đầu cầu nằm trong phạm vi hành lang đê Ngũ Huyện Khê. Đây là tồn tại lịch sử để lại, bởi đất giao cho các hộ xây dựng nhà và kinh doanh ngoài sông (có giấy nộp tiền các hộ dân) nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên công tác GPMB gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhiều lần họp bàn nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất được phương án bồi thường. Trước thực tế đó, đầu tháng 10 vừa qua, Ban Quản lý các dự án xây dựng huyện Yên Phong tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân phối hợp thống nhất. Tuy nhiên, sau buổi làm việc mới chỉ có 2 hộ dân đồng ý ký vào biên bản làm việc... Chủ đầu tư cam kết nếu có mặt bằng sẽ đốc thúc các nhà thầu thi công xong toàn bộ dự án trong năm 2024.
Đối với các dự án: Xây dựng đường giao thông từ TL.277 đến khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ (TP Từ Sơn); đường ĐT.287 đoạn từ xã Trung Nghĩa (Yên Phong) đến phường Đồng Nguyên (TP Từ Sơn); xây dựng đường nối TL.295 với cầu Đông xuyên; cải tạo nâng cấp đường TL.278, đoạn QL.18 - QL.38 (TP Bắc Ninh); xây dựng đường tỉnh 278 đoạn từ QL.18 đến đê sông Cầu (thị xã Quế Võ); xây dựng cải tạo nâng cấp ĐT.284, đoạn Lãng Ngâm (Gia Bình) - Thị trấn Thứa (Lương Tài… cũng cùng thực trạng vướng mắc về mặt bằng nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình.
Bên cạnh vướng mắc về mặt bằng thì các công trình giao thông còn gặp nhiều khó khăn do vật liệu xây dựng khan hiếm, nhất là cát vàng; giá vật liệu, nhiên liệu tăng cao, trong khi đó công bố giá của tỉnh chưa sát với thực tế; việc điều chỉnh thiết kế, phát sinh một số hạng mục của các dự án; năng lực một số nhà thầu suy yếu… cũng ảnh hưởng lớn tới tiến độ thi công các công trình giao thông trên địa bàn.
Trước tình trạng trên, ngành GTVT đã tham mưu với tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành nhằm quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, trong đó tập trung vào việc tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng, mắc, những điểm nghẽn để quyết tâm đến năm 2024 sẽ phấn đấu hoàn thành và đưa một số dự án giao thông vào sử dụng, khai thác, phát huy hiệu quả. Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông kiến nghị Hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền hồi thường đối với các hộ dân đồng thuận. Đồng thời nhanh chóng kiểm điểm tài sản trên đất, quy chủ, xác minh nguồn gốc đối với phần diện tích chưa rõ nguồn gốc; xây dựng phương án cưỡng chế đối với các hộ dân cố tình chống đối, không nhận bồi thường; lập phương án và kế hoạch bảo vệ thi công những đoạn đường vướng mặt bằng… Đây là những nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi phải khẩn trương, quyết liệt thực hiện với sự đồng lòng quyết tâm cao của các cấp, ngành chức năng và cả hệ thống chính trị nhằm tạo sự thông suốt, ủng hộ của người dân, nhất là những người liên quan đến dự án. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị chức năng cũng cần bám sát tình hình thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công về những vấn đè liên quan đến giá vật tư, vật liệu, phê duyệt điều chỉnh thiết kế thi công, bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn… tạo thuận lợi cho các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, các địa phương và chính cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Hoài Anh

Kinh Tế