Dồn lực cho dự án giao thông trọng điểm quốc gia

14/11/2023 20:19 Số lượt xem: 1788
Sau nhiều nỗ lực, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện về mặt bằng, hoàn thành hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán trình Bộ Xây dựng thẩm định, lựa chọn các nhà thầu có uy tín năng lực… dự án thành phần 2.3, đường Vành đai 4-Vùng thủ đô Hà Nội, đoạn qua xã Ngũ Thái (thị xã Thuận Thành) chính thức khởi động. Điều này khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bắc Ninh trong triển khai xây dựng dự án trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn tỉnh theo đúng cam kết với Chính phủ.

Tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8km, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, đi qua thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh quy mô 4 làn xe, chiều dài 35,3km (24,3km tuyến chính và 9km tuyến nối đến nút giao phía Tây Nam thành phố Bắc Ninh) qua 4 địa phương gồm TP Bắc Ninh, huyện Gia Bình và 2 thị xã Thuận Thành, Quế Võ. Dự án đoạn qua địa phận Bắc Ninh được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư xây dựng, tổng vốn đầu tư khoảng 5.210 tỷ đồng; ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng 2.110 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Bắc Ninh 3.100 tỷ đồng cho GPMB và đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành.

Thời gian qua, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tích cực vào cuộc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; các cơ quan chức năng tập trung mọi nguồn lực triển khai các điều kiện chuẩn bị để dự án sớm được khởi động. Với sự quyết tâm cao đó, gói thầu số 1 của đoạn tuyến dài 11,5km từ lý trình Km77+250 (tiếp giáp với tỉnh Hưng Yên) đến Km88+750 (giao với QL.38), thị xã Thuận Thành chính thức khởi động và tiếp tục khẩn trương triển khai thi công các gói thầu còn lại.

Nhà thầu tập trung máy móc thiết bị, vật tư thi công.


Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng giao thông (Sở Giao thông vận tải) Nguyễn Anh Đức cho biết: Ngay sau khi đủ các điều kiện để triển khai thi công, chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu lập ngay tiến độ thi công chi tiết, cụ thể, bảo đảm đủ nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc thực hiện. Chủ động phối hợp với các địa phương kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), phấn đấu đến 31-12 triển khai thi công toàn tuyến. Yêu cầu các nhà thầu cam kết đúng tiến độ đề ra; chủ đầu tư cử cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nếu nhà thầu không bảo đảm năng lực sẽ xử lý đúng quy định của pháp luật.
Với quy mô, dự án đi qua 8 xã, phường, gồm: Mão Điền, An Bình, Trạm Lộ, Nghĩa Đạo, Nguyệt Đức, Ninh Xá, Ngũ Thái, Song Liễu (diện tích 185,4 ha), đến nay, UBND thị xã Thuận Thành thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ (đợt 1) 147,7 ha/185,4 ha, đạt 80%, kinh phí bồi thường, hỗ trợ đã phê duyệt 479,6 tỷ đồng của 2.732 lượt hộ gia đình, cá nhân. Còn lại 37,8 ha gồm: Diện tích đất ở 3,3 ha; diện tích đất nông nghiệp và đất chuyên dùng: 34,5ha chưa thu hồi đất, đang hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ  (đợt 2). Thuận Thành tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để gỡ vướng từng “nút thắt”, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Thuận Thành khẳng định: Nhận thức được tầm quan trọng của dự án trọng điểm quốc gia, Thuận Thành xác định bắt buộc phải hoàn thành theo đúng tiến độ. Các ngành, các cấp thực sự vào cuộc, nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân cùng đồng thuận để dự án sớm được triển khai, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Hiện nay, các địa phương đang gặp vướng mắc trong lập phương án bồi thường, hỗ trợ di chuyển mồ mả; bồi thường, hỗ trợ đối với đất vườn, ao cùng thửa đất trong khu dân cư, đất ở không đúng  thẩm quyền… Những gì thuộc thẩm quyền, Thuận Thành sẽ sớm giải quyết, đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, thị xã kiến nghị Ban chỉ đạo tỉnh sớm có ý kiến chỉ đạo cụ thể để sớm GPMB phần diện tích còn lại.
Theo kế hoạch, toàn bộ dự án đường Vành đai 4-Vùng thủ đô sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Đây là “cú hích” mạnh mẽ cho mối liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phát triển các hành lang kinh tế và thu hút đầu tư, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho các địa phương. Ban chỉ đạo dự án tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các sở ngành, địa phương, thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, tổ chức đối thoại để người dân đồng thuận bàn giao đất; lập phương án bồi thường, hỗ trợ, khu tái định cư, địa điểm di chuyển mồ mả, các công trình điện nước… với phương châm bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất; lựa chọn đơn vị tư vấn, các nhà thầu có năng lực đảm nhiệm tổ chức triển khai thi công; yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực phục vụ thi công dự án, tạo giao thương kết nối đồng bộ, hình thành một kiến trúc không gian đô thị xanh, hiện đại, bền vững.

Hoài Anh

Kinh Tế