Hiệu ứng từ chương trình bảo hộ sở hữu trí tuệ

25/10/2024 20:01 Số lượt xem: 87
Qua 4 năm thực hiện Đề án 239 của UBND tỉnh về Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, những kết quả đạt được về phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh ngày càng rõ nét. Hiệu ứng từ các chương trình hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ được Bắc Ninh triển khai không chỉ góp phần gia tăng giá trị của nông sản, đặc sản mà còn tạo động lực cho các chủ sở hữu đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.

Sản phẩm Mỳ gạo Tử Nê và Cà rốt Lương Tài vừa được cấp quyền bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận.


Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), năm 2018, UBND tỉnh Ban hành Đề án số 134 về Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020. Thực tế chứng minh, các sản phẩm sau khi đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá được khách hàng biết đến rộng rãi, giá bán có xu hướng tăng. Tiêu biểu như sản phẩm gà Hồ giá tăng 3-4 lần (giá gà con nuôi thương phẩm tăng từ 40.000 đồng/con lên 160.000 đồng/con, giá gà thịt tăng từ 180.000 đồng/kg lên 600.000 đồng/kg); giá các sản phẩm của Đồng Đại Bái, Gốm Phù Lãng, Gỗ Đồng Kỵ... đều tăng trung bình từ 10-15%; nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, Nga, EU hay đưa vào hệ thống siêu thị và các công ty chế biến tại các Khu công nghiệp...,
Đề án 239 năm 2020 của UBND tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, bảo vệ uy tín, danh tiếng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo. Đồng thời, triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm cho các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP và các sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường… Đề án 239 được phê duyệt tổng kinh phí 9,313 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ cho mỗi nhãn hiệu chứng nhận 883 triệu đồng, nhãn hiệu tập thể  803 triệu và chỉ dẫn địa lý 1,018 tỷ đồng.
Đến nay, Sở KH&CN phối hợp với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nội dung đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Thời điểm này, các nhiệm vụ KH&CN thuộc Đề án đã được nghiệm thu kết quả thực hiện về: xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; xác định phạm vi địa lý bảo hộ; phân tích các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; xây dựng cơ sở khoa học và các tài liệu, hồ sơ cần thiết, xây dựng các quy trình quản lý, khai thác, chế biến, bảo quản, kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; quy chế sử dụng tem, nhãn, mã số, mã vạch, bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; tổ chức đào tạo, tập huấn về mô hình quản lý, các công cụ quản lý… Kết quả, có 11 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 5 nhãn hiệu tập thể gồm: Chuối Cảnh Hưng; Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên; Đồ gỗ mỹ nghệ Tam Sơn; Đồ gỗ mỹ nghệ Hương Mạc; Đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê và 6 nhãn hiệu chứng nhận đặc sản nổi tiếng: Giò, chả, nem chua Yên Lã; rượu nếp cái hoa vàng Đồng Nguyên; Mỳ gạo Tử Nê, Cà rốt Lương Tài, Tỏi một nhánh Gia Bình, dưa gang muối Quế Võ.
Là một trong những hộ được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Mỳ gạo Tử Nê, chị Nguyễn Thị Hà, thôn Tử Nê (xã Tân Lãng, huyện Lương Tài) phấn khởi: “Gia đình tôi có truyền thống làm mỳ lâu đời, mỗi ngày sản xuất khoảng 6-7 tấn, thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, sản phẩm mỳ gạo khá thông dụng với nhiều cơ sở sản xuất ở các vùng, miền, dễ bị làm nhái với chất lượng kém. Việc Mỳ gạo Tử Nê được bảo hộ thương hiệu với bộ nhận diện rõ ràng giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong giao dịch trên thị trường, khẳng định uy tín đặc sản địa phương. Đây là động lực để gia đình đầu tư dây chuyền máy móc, gia tăng sản lượng, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử mở rộng thị trường”.
Toàn tỉnh hiện có 32 thương hiệu thuộc sở hữu chung của cộng đồng được bảo hộ gồm 15 nhãn hiệu tập thể, 16 nhãn hiệu chứng nhận, 1 chỉ dẫn địa lý. Theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã được bảo hộ; tập huấn, hướng dẫn quản lý và khai thác hiệu quả các hình thức bảo hộ; tư vấn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, hồ sơ đăng ký bảo hộ… cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo các quy định; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về sở hữu trí tuệ, quảng bá, phát triển thương hiệu. Qua đó, phát huy giá trị nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập người lao động, chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Song Giang

Kinh Tế