Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa
Năm 2019, HTX sản xuất dịch vụ thương mại nông nghiệp sạch Bình Dương do ông Nguyễn Xuân Nam làm giám đốc mạnh dạn tích tụ 6,7 ha đất trồng lúa kém hiệu quả thực hiện chuyển đổi sang mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp, chủ lực là: Nho, hồng xiêm, ổi, đu đủ, mít thái, chanh tứ quý,… Ngoài ra còn trồng xen canh một số loại rau củ quả ngắn ngày để tận dụng đất và tăng thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. HTX đầu tư, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất như: xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động,… Năm 2021, HTX đạt tiêu chuẩn VietGap cho các sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động thường xuyên mới mức thu nhập ổn định 6-8 triệu đồng/người/tháng, 20-30 lao động thời vụ, thu nhập 200-300 nghìn đồng/người/ngày; doanh thu hàng năm đạt bình quân 1,6 tỷ/năm sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 600 triệu đồng/năm.
Từ năm 2020 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Bình, xã Bình Dương có hàng chục hộ đứng ra tích tụ, nhận chuyển nhượng gần 36 ha đất cấy lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, cây hàng năm có giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo ông Trần Xuân Diễn, Phó Chủ tịch UBND xã: Trước năm 2020, toàn xã có 25,1 ha cấy lúa khó khăn được chuyển sang trồng cây ăn quả; 34,4 ha ruộng trũng chuyển đổi sang nuôi cá kết hợp cấy lúa. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chủ yếu là tự phát, chưa mang tính đột phá nên giá trị thu được không cao. Để thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đảng bộ huyện, xã xây dựng Đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2020-2025, trong đó xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là nhiệm vụ đột phá để phát triển nông nghiệp và động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Thông qua chuyển đổi góp phần xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng công nghệ cao từ đó hình thành các sản phẩm hàng hoá tiêu biểu, phấn đấu nâng cao giá trị thu nhập/ha canh tác đạt 180 triệu đồng/ha vào năm 2025.
Mô hình chuyển đổi của HTX sản xuất dịch vụ thương mại nông nghiệp sạch Bình Dương.
Xã thường xuyên tổ chức quán triệt nội dung Nghị quyết của Đảng uỷ; đề án, kế hoạch của UBND xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia, mạnh dạn chuyển đổi. Với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, từ năm 2020 đến nay, toàn xã thực hiện chuyển đổi gần 36 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây hàng năm có giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn, nâng tổng diện tích chuyển đổi lên gần 100 ha.
Hiệu quả rõ rệt, nổi bật nhất từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở Bình Dương là giúp các hộ sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất lao động, thu nhập trên 1 đơn vị canh tác 2-3 lần so với cấy lúa, góp phần giảm diện tích đất bỏ hoang. Việc chuyển đổi cũng tạo thuận lợi cho thực hiện sản xuất nông nghiệp tập trung, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn áp dụng quy trình canh tác, tiến bộ kỹ thuật.
Phát huy những kết quả đạt được, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách, các quy định đối với việc chuyển đổi trên đất trồng lúa để người dân biết và thực hiện nghiêm túc. Hướng dẫn việc thực hiện chuyển đổi theo đúng quy định của nhà nước. Thực hiện rà soát đối với những diện tích cấy lúa kém hiệu quả đề nghị huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành xây dựng và triển khai dự án khảo sát, đánh giá các điều kiện phù hợp như: nông hóa thổ nhưỡng, địa hình, trình độ canh tác, kinh tế xã hội,… để định hướng xây dựng vùng chuyển đổi, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, hình thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của xã.