Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

31/05/2024 10:22 Số lượt xem: 324
Hiện tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn xảy ra phổ biến, để bảo vệ người tiêu dùng trong khi tâm lý nhiều người còn ngại khiếu nại, khiếu kiện, các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị có liên quan sẽ tăng cường các giải pháp tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa...

Chị Lê Thị Thơm, phường Thị Cầu (TP Bắc Ninh) kể: “Mới đây, tôi tới một cửa hàng mua túi thịt bò Mỹ, nhưng do vội nên không để ý hạn sử dụng, về tới nhà mở ra mới biết đã hết hạn. Tuy khá bực mình nhưng vì số tiền bỏ ra không nhiều mà lại mất thời gian đi lại nên tôi chỉ nghĩ sẽ rút kinh nghiệm cho lần mua sau, chứ không đem trả lại”. Còn chị Nguyễn Thị Hoa, phường Nam Sơn (TP Bắc Ninh) chia sẻ: “Tuần trước, tôi mua một máy mát xa cổ vai gáy trên một trang thương mại điện tử, mới dùng được vài lần thì bị lỗi không chạy. Mặc dù có bảo hành nhưng khi liên hệ lại với người bán thì họ nói do tôi không biết sử dụng nên làm hỏng. Đôi co mãi, cuối cùng họ chịu nhận bảo hành với điều kiện phải chi trả chi phí vận chuyển… Ngại phiền hà, rắc rối nên tôi đành bỏ tiền mang đi sửa ở chỗ khác cho nhanh”.
Thực tế cho thấy các hành vi vi phạm quyền của người tiêu dùng chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng, vi phạm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không niêm yết giá bán và không bán theo giá niêm yết... gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Các đối tượng thường lợi dụng những thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao, như dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm hàng cục bộ để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, trục lợi, lừa dối người tiêu dùng. Mặt khác, lợi dụng địa bàn nông thôn, nhận thức của đa số người tiêu dùng còn hạn chế... các hành vi vi phạm diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.  Nhiều người tiêu dùng có tâm lý e ngại, sợ va chạm, phiền hà, rắc rối, chưa dám khiếu nại, khiếu kiện, dẫn đến việc bỏ qua quyền lợi khi bị xâm hại, chỉ khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại với giá trị lớn mới gửi phản ánh, khiếu nại. Công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng khi mua hàng bằng phương thức thương mại điện tử cũng khó kiểm soát và xử lý hiệu quả, không ít người lúc nhận hàng thất vọng vì khác xa với quảng cáo ban đầu; khi yêu cầu đổi hàng thì bên bán đưa ra nhiều lý do, thậm chí chặn số điện thoại…

 

Cán bộ Quản lý thị trường kiểm tra tem, nhãn, hạn sử dụng hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh


Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền của người tiêu dùng. Ông Phạm Huy Trọng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông; phối hợp kiểm tra liên ngành, kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm; yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng; kết hợp công tác kiểm tra với tuyên truyền, hướng dẫn để tăng hiệu quả”.
UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến luật và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các xã, phường, thị trấn, Ban quản lý và tiểu thương các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương tuân thủ quy định sản xuất, kinh doanh…
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, sử dụng các biện pháp bảo vệ thương hiệu, bảo vệ sản phẩm, giúp người tiêu dùng phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chung tay bài trừ các hành vi gian lận thương mại.
 Ngoài nỗ lực của các cấp, ngành và tổ chức, đơn vị liên quan thì người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, khi phát hiện hành vi vi phạm, xâm hại quyền lợi của mình, kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết. Đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của người tiêu dùng, có như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới thực sự phát huy hiệu quả.

Thanh Ngân

Kinh Tế