Phân bón thông minh, hữu cơ cho nông nghiệp bền vững

02/10/2024 20:56 Số lượt xem: 445
Tại hội thảo khoa học “Ứng dụng phân bón thông minh và phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp bền vững” do Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh tổ chức, các nhà khoa học khẳng định: Mở rộng độ phủ của phân bón thông minh và hữu cơ chính là giải pháp hữu hiệu gia tăng giá trị sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo thống kê sơ bộ của ngành Nông nghiệp, lượng phân bón sử dụng trong sản xuất của tỉnh năm 2023 ước đạt 44.379,36 tấn, trong đó: phân bón vô cơ 43.531,24 tấn, chiếm 98,1%; phân bón hữu cơ sinh học 815,6 tấn, chiếm 1,84%; phân bón hữu cơ 32,52 tấn, chiếm 0,06%; bình quân lượng phân bón sử dụng trên 1ha diện tích gieo trồng/năm là 0,63 tấn; sử dụng trên 1ha diện tích canh tác/năm là 1,1 tấn.
Hiện nay, nông dân chủ yếu sử dụng phân bón hóa học với nhiều tồn dư gây ô nhiễm môi trường đất, nước và ảnh hưởng đến hệ vinh vật có lợi sống trong đất. Ngoài ra, phần lớn cách bón từng loại phân và thời điểm bón phụ thuộc vào kinh nghiệm của nông dân, nên tại các vùng trồng rau thâm canh lượng hóa chất bảo vệ thực vật sử dụng tăng gấp 3-5 lần so với các vùng trồng lúa. Điều tra thực trạng tại thành phố Bắc Ninh cho thấy: Lượng đạm bón cho su hào là 266,5 kg/ha/vụ, cao gấp 2,27 lần so với khuyến cáo; cà chua 231,7 kg/ha/vụ và gấp 1,74 lần so với khuyến cáo; phân lân bón cho dưa chuột 98,5 kg/ha/vụ, gấp 1,57 lần so với khuyến cáo của quy trình sản xuất RAT. Các loại thuốc trừ cỏ, thuốc diệt chuột và các thuốc khác hiện được sử dụng với số lượng ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho môi trường.

 

Sử dụng chế phẩm IMO để ủ phân bón hữu cơ trồng rau tại thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm (Gia Bình).
 


Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh tích cực triển khai xây dựng và hình thành các mô hình nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất mới hiệu quả, trong đó có việc ứng dụng các loại phân bón thông minh, hữu cơ. Theo ông Lê Quang Hải, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ). Phân bón thông minh thế hệ mới có thể hiểu là các loại phân bón được sản xuất theo công nghệ nano; vi sinh và  enzym; có hoạt lực cao, kiểm soát quá trình giải phóng chất dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu sử dụng của cây trồng, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, giảm lượng phát thải ra môi trường.
Trong khi đó, phân bón hữu cơ có nguồn gốc từ các chất hữu cơ tự nhiên như: phế phẩm của động vật, chất thải nông nghiệp, thực vật mục nát nên không độc hại như phân bón hóa học. Nếu sử dụng thời gian dài sẽ cải tạo đất bạc màu đất nghèo dinh dưỡng, làm thay đổi cấu trúc đất giúp đất tơi xốp hơn. Loại phân bón này cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách an toàn, ít gây ngộ độc, sốc phân cho cây, không làm chua đất và cân bằng pH, tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu quả kinh tế. Một ví dụ điển hình, năm 2024, huyện Yên Phong xây dựng mô hình sử dụng phân bón Đầu trâu HCMK7 Hữu cơ Trichoderma + TE trồng dưa lê siêu ngọt theo hướng an toàn tại HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ. Kết quả cho thấy, lợi nhuận thu được từ mô hình đạt khoảng 114 triệu đồng/ha, cao hơn 25% so với các mô hình sản xuất dưa lê thông thường.
Với những hiệu quả thấy rõ, thời gian tới, các ngành chức năng tích cực phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu tiếp tục thúc đẩy việc áp dụng các phương pháp canh tác bền vững với sử dụng phân bón hiệu quả. Tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình, sản phẩm phân bón mới cho nông dân; hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ hiệu quả; liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản an toàn. Triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của tỉnh về sản xuất thực phẩm an toàn; ứng dụng công nghệ cao,... để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mang lại giá trị cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng phân bón, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý phân bón để quản lý tốt vật tư đầu vào cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho sản xuất nông sản an toàn…

Song Giang

Khoa học - Công nghệ