Nâng tầm sản xuất nông nghiệp

06/10/2024 21:58 Số lượt xem: 88
Với định hướng xây dựng nền nông nghiệp bền vững làm trụ đỡ cho nền kinh tế, ngành Nông nghiệp Bắc Ninh xác định phải nâng tầm trong sản xuất với nhiều tiến bộ kỹ thuật được cơ quan chức năng chuyển giao; hướng dẫn nông dân đưa kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, nâng giá trị nông sản góp phần nâng cao đời sống nông dân.

 Nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp chú trọng hỗ trợ xây dựng các mô hình nhà kính, nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt tự động... trong sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh góp phần tạo diện mạo mới và nâng cao giá trị cho sản xuất trồng trọt. Đến nay, Bắc Ninh hình thành và phát triển gần 2.500 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô từ 3 ha trở lên; 270 vùng trồng rau, màu chuyên canh quy mô từ 2 ha trở lên tập trung ở vùng đất chuyên màu và đất bãi, với các sản phẩm chủ lực như: Cà rốt, khoai tây, bí các loại, hành tỏi, rau xanh các loại,...gần 100 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, quy mô từ 1 ha trở lên. Toàn tỉnh có hơn 50 cơ sở sản xuất trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP; khoảng 60 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà kính...
Về phương thức chăn nuôi đã có sự chuyển biến tích cực từ nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hoá, xa khu dân cư. Toàn tỉnh hiện có 671 trang trại theo quy định của Luật Chăn nuôi; 16 doanh nghiệp chăn nuôi; 80 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ chuồng lồng, chuồng kín với hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống, vệ sinh tự động, trong đó có 3 cơ sở chăn nuôi thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất; 5 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống; 6 doanh nghiệp chăn nuôi trực thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng được 17 cơ sở an toàn dịch bệnh; 6 cơ sở lớn chuyên sản xuất với hơn 10.000 con lợn giống, 7 cơ sở lớn chuyên sản xuất với khoảng 400.000 con gà giống.

 

Nuôi cá lồng trên sông Đuống.

 

Đặc biệt, toàn tỉnh có 56 cơ sở chăn nuôi liên kết theo chuỗi, trong đó có 15 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp và 18 Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi, câu lạc bộ chăn nuôi, đóng góp quan trọng để tạo bước đột phá trong nông nghiệp của tỉnh, góp phần từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Bắc Ninh vẫn bộc lộ những hạn chế như diện tích sản xuất tiếp tục bị giảm gần 1.500 ha do chuyển mục đích sử dụng và một phần khó canh tác. Sản xuất nông sản an toàn, liên kết theo chuỗi trong sản xuất và xây dựng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn, số lượng mô hình còn ít. Việc thực hiện Nghị định 57/2018 ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung...
Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song với lợi thế về vị trí địa lý cùng với việc tăng cường ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống, các sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề có nhiều cơ hội tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm...
Ngành nông nghiệp Bắc Ninh đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá phát triển toàn diện dựa trên lợi thế địa phương theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao, bền vững và có sức cạnh tranh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từng bước nâng cao hơn về thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng toàn diện, bền vững.

Hoàng Mai

Khoa học - Công nghệ