Nỗ lực bảo đảm an toàn hệ thống đê

16/09/2024 20:39 Số lượt xem: 350
Bão số 3 và hoàn lưu bão đổ bộ cùng với lũ tại thượng nguồn gây một số sự cố cho hệ thống đê điều của tỉnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố; sự chủ động trong tuần tra canh gác, ứng trực phát hiện và tinh thần nỗ lực, quyết tâm giữ đê, đến nay hệ thống đê chính trên địa bàn tỉnh vẫn được bảo vệ an toàn.

Hệ thống đê điều của tỉnh gồm 195,36 km đê, 105 cống, 40 kè hộ bờ và chống sóng. Hàng năm, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và các Bộ ngành trung ương bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa, hệ thống đê, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Ảnh hưởng lũ lên cao trên báo động số 3 những ngày qua, trên tuyến đê hữu Cầu vị trí km77+900 thuộc địa bàn phường Quế Tân (thị xã Quế Võ) xuất hiện 3 mạch sủi đường kính 10 cm nước chảy vào trong đồng cách chân đê 100 m (sau điếm canh đê Đông Viên Thượng) mang theo bùn cát có nguy cơ mở rộng nếu không được xử lý kịp thời. Ngay sau khi phát hiện sự cố, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thị xã Quế Võ huy động 60 xung kích xã dùng giếng tôn cao 1,6m, đường kính 1,5m, phên rơm, cát, đá để làm tầng lọc ngược.
Do ảnh hưởng lũ trên sông Thái Bình, cống xả trạm bơm Văn Thai tại km9+680 đê hữu Thái Bình, xã Minh Tân (Lương Tài) xảy ra sự cố nước chảy vào hạ lưu cống với lưu lượng lớn do mực nước phía sông cao gây ra áp lực nước chảy mạnh; khu vực bể xả trạm bơm xuất hiện rò rỉ. Ngay sau đó Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Lương Tài huy động gần 2.000 lượt cán bộ chiến sỹ quân đội, công an của huyện xử lý bảo đảm an toàn cho công trình.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại do bão số 3 tại huyện Gia Bình


Ngoài 2 sự cố trên, do ảnh hưởng bão số 3, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số sự cố khác có khả năng đe doạ sự an toàn của hệ thống đê như: Nước rò rỉ qua khe cánh cống trạm bơm Phấn Động vị trí km 46+750 đê hữu Cầu địa phận xã Tam Đa (Yên Phong); bãi sủi tại vị trí km8+130 đê hữu Cà Lồ và km31+300 đê hữu Cầu thuộc địa bàn các xã: Hòa Tiến, Tam Giang (Yên Phong).
Trước diễn biến lũ bão, các sự cố xuất hiện, nguy cơ ảnh hưởng sự an toàn của đê, trong và sau khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp lên địa bàn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các địa phương quyết liệt triển khai các biện pháp bảo vệ, giữ vững an toàn hệ thống đê. Trong đó, tập trung rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các địa bàn trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “bốn tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các địa bàn trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu. Tăng cường kiểm tra hệ thống đê, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông, trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn, thực hiện di chuyển dân, tài sản, kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao. Phối hợp với các đơn vị công an, quân đội hỗ trợ ứng cứu đê, di chuyển nhân dân, tài sản đến nơi an toàn.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, sự cố gắng, nỗ lực, chung sức, đồng lòng giữ đê, hệ thống đê chính được bảo vệ an toàn. Hiện tại, nước lũ trên các sông đang dần hạ thấp. Tuy nhiên thời điểm lũ rút đi cũng là lúc hệ thống đê có thể xuất hiện thêm nhiều sự cố do đã ngâm nước lâu ngày, đất trong thân đê nhão hoá. Điều này đòi hỏi các địa phương, đơn vị cần có sự tập trung theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ứng phó kịp thời các sự cố có thể xảy ra.

Nguyễn Tuấn

Giáo dục - Đào tạo