Điểm tựa khởi động sản xuất kinh doanh sau bão

18/09/2024 18:48 Số lượt xem: 222
Trước những thiệt hại lớn của khách hàng do bão Yagi và hoàn lưu bão gây ra, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm hoặc ưu đãi lãi suất cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần chung tay chia sẻ, giảm bớt gánh nặng tài chính, giúp khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo thống kê, lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh có 82.441 gia cầm bị chết; 7.500 chuồng trại bị tốc mái; thiệt hại 3.400 tấn thủy sản; gần 10.000 ha lúa bị đổ và đầy nước; gần 2.000 ha rau màu, cây ăn quả, hoa cây cảnh bị hư hỏng; hơn 160 ha cây lâm nghiệp, rừng bị gẫy đổ; 25,98 ha nhà màng, nhà lưới bị tốc mái, hư hỏng.
Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh, xã Việt Đoàn (Tiên Du) có  3.500 m2 nhà màng trồng nho doanh thu mỗi năm từ 1-1,5 tỷ đồng đổ, gẫy, hư hỏng hoàn toàn khi cơn bão số 3 đi qua. Anh Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh chia sẻ: “HTX có gần 30 loại sản phẩm, trong đó các sản phẩm nổi bật là nho xanh không hạt, nho tím không hạt, bưởi diễn, tính đến nay thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng, gồm cả tiền sản phẩm và nhà màng bị hư hỏng. Mong muốn được ngân hàng hỗ trợ vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất”. Mô hình sản xuất, chăn nuôi tổng hợp quy mô gần 7 ha của HTX sản xuất dịch vụ thương mại nông nghiệp sạch Bình Dương, xã Bình Dương (Gia Bình) ước thiệt hại 7 tỉ đồng do bão số 3 gây ra. Để bắt tay vào vào khôi phục sản xuất, HTX cần nhiều nguồn lực, mong muốn các cấp, ngành chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ.
Nhằm chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp, nhiều ngân hàng thương mại quyết định miễn, giảm lãi suất cho cả khoản vay cũ, khoản vay mới. Là ngân hàng chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank quyết định giảm từ 0,5% - 2%/năm cho các khoản vay của nhóm này, tuỳ thuộc vào mức độ ảnh hưởng. Vietcombank quyết định giảm lãi suất cho vay trên dư nợ 130.000 tỷ đồng của 20.000 khách hàng bị ảnh hưởng bão. Mức giảm là 0,5% từ nay đến hết năm 2024 cho toàn bộ dư nợ hiện hữu và các dư nợ vay mới của khách hàng sản xuất, kinh doanh, bị ảnh hưởng lớn bởi bão lũ.

 

Agribank nắm bắt nhu cầu sử dụng vốn để kịp thời hỗ trợ khách hàng.


Trong khối các ngân hàng thương mại, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là ngân hàng đầu tiên công bố chương trình ưu đãi lãi suất vay nhằm đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ khách hàng phục hồi, ổn định kinh doanh. Theo đó, đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Eximbank giảm thêm 1% lãi suất trong tháng đầu tiên, áp dụng theo chương trình ưu đãi lãi suất của ngân hàng cho các khoản vay ngắn hạn; khoản vay trung và dài hạn, miễn lãi suất 0% trong 2 tháng đầu tiên và lãi suất cố định 7.49%/năm cho 10 tháng tiếp theo; doanh nghiệp siêu nhỏ và khách hàng cá nhân, áp dụng ưu đãi giảm 2%/năm so với lãi suất thông thường, đưa lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 4.75%/năm cho các khoản vay ngắn hạn.
Bên cạnh mức lãi suất giảm 1% lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh từ nay đến cuối năm, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) cũng triển khai thêm chương trình cho vay tín chấp - không tài sản bảo đảm với thủ tục giải ngân nhanh. Cách này tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm bởi không ít tài sản của người dân, doanh nghiệp đã bị hư hỏng do bão. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng quyết định giảm 1-2% lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại trực tiếp từ thiên tai. Áp dụng mức lãi suất 6% cho khoản vay mới hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão.
Những trường hợp khách hàng vay bị ảnh hưởng nặng nề như các hộ nuôi trồng thủy sản, lồng bè bị trôi, hay nhà xưởng, kho hàng bị sập đổ, gần như mất trắng không thể tái sản xuất, các ngân hàng phối hợp, bàn bạc với khách hàng vay phương án cơ cấu, giãn nợ, tìm cách khôi phục sản xuất trong khả năng. Tuy nhiên, việc này theo quy định khiến các khoản vay bị chuyển sang nhóm nợ chậm trả, nợ xấu. Nếu muốn không chuyển nhóm nợ để có thể tiếp cận khoản vay mới như chính sách hỗ trợ giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vẫn cần thêm quyết sách từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Khắc phục sau bão, rất cần những chính sách tín dụng đủ mạnh, giúp người dân sớm trở lại sản xuất, tái thiết lại hoạt động kinh doanh. NHNN tỉnh yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới để người dân, doanh nghiệp khôi phục kinh tế.

Hà Linh

Giáo dục - Đào tạo