Tháng Bảy tri ân

26/07/2024 17:57 Số lượt xem: 484
Chiến tranh đi qua, biết bao lớp người đã ngã xuống, dâng hiến trọn tuổi thanh xuân và một phần máu xương cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Mỗi dịp tháng 7, lời bài hát “Màu hoa đỏ”: “... Có người lính mùa thu ấy ra đi từ đó không về” lại khắc khoải nhắc nhớ chúng ta hướng lòng mình về những Anh hùng liệt sĩ, về những mất mát đau thương của các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, từ đó tưởng nhớ, tri ân và càng thêm trân trọng giá trị của hòa bình hôm nay.

Với dân tộc Việt Nam, tháng 7 được xem là tháng tri ân những người nằm xuống cho Tổ quốc trường tồn. Cái nắng nóng cháy da của đất trời như gợi nhắc về những năm tháng chiến đấu gian khổ, bi tráng nhưng rất đỗi anh dũng, quật cường của cha ông. Tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ, di tích lịch sử cách mạng lại dày thêm bước chân những đoàn người thăm viếng. Hương, nến và hoa hòa quyện, cháy đỏ, lan tỏa trong chốn linh thiêng như nghĩa cử tri ân thành tâm của những người sống trong hòa bình hôm nay.
Toàn tỉnh có 117 công trình ghi công liệt sĩ, nơi yên nghỉ của hơn 16 nghìn liệt sĩ. Cùng với nguồn kinh phí do Trung ương, hàng năm, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp đều huy động thêm các nguồn lực tu bổ, nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ. Riêng trong năm 2024, các địa phương đã nâng cấp, cải tạo 10 nghĩa trang liệt sĩ với tổng kinh phí 9,5 tỷ đồng… Những công trình ghi công liệt sĩ được xây dựng khang trang lung linh cờ hoa, trang trọng đón các liệt sĩ trở về với đất mẹ yêu thương. Tổ quốc vinh danh, đời đời ghi nhớ những Anh hùng liệt sĩ. Họ sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “không có gì quý hơn độc lập tự do”, như Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã từng viết: “Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng ...”.
Viếng nghĩa trang liệt sĩ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7), trong không khí linh thiêng, những ánh nến rực sáng, lung linh được người dân thành kính dâng lên phần mộ liệt sĩ như biểu tượng về sự kết nối nguồn cội, sự tưởng nhớ, tri ân sâu sắc tới những người đã chiến đấu, hy sinh khi tuổi mới mười tám, đôi mươi. Câu chuyện kể về sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ được nhắc lại với đầy sự xúc động, tự hào, gợi lên trong mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ nhiều cảm xúc về quá khứ. Đó là là “sợi chỉ đỏ” nhắc nhở thế hệ trẻ luôn không ngừng rèn luyện, phấn đấu đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, xứng đáng với những trang sử hào hùng của cha ông.

 

Thế hệ trẻ thắp nến tri ân lên phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Bắc Ninh.


Tháng 7 cũng là dịp để những nghĩa cử tri ân kết nối, lan tỏa. Khắp các địa phương, đến từng thôn khu phố đều rộn ràng các hoạt động “uống nước, nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” . Mỗi cơ quan, đoàn thể, đơn vị, mỗi người dân đều có một cách riêng để bày tỏ lòng tri ân đến những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường bằng hành động thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà; hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho người có công; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Đã thành nét đẹp từ nhiều năm nay, mỗi dịp tháng 7, các đoàn thể xã Đại Đồng (Tiên Du) lại lựa chọn tổ chức “bữa cơm tri ân” tại 2 gia đình chính sách, thân nhân liệt sĩ, người có công hoàn cảnh khó khăn. Bữa cơm thân mật, nghĩa tình với sự tham gia chuẩn bị của các đoàn viên thanh niên, đại diện chính quyền, đoàn thể địa phương giúp các gia đình người có công thêm ấm lòng. Ông Nguyễn Công Đức, Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã chia sẻ: “ Quây quần bên mâm cơm, được nghe chuyện kể, tâm tư, tình cảm của các gia đình người có công, chúng tôi thêm hiểu về những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Từ đó, mỗi người thêm phần trách nhiệm nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sống đẹp hơn, xứng đáng hơn với những hy sinh cao cả đó…”.
Toàn tỉnh đang quản lý 125.523 người có công và thân nhân người có công, trong đó hơn 16.900 lượt người hưởng trợ cấp hàng tháng. Bên cạnh thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, bằng tình cảm và trách nhiệm, tỉnh huy động tối đa mọi nguồn lực ban hành nhiều chế độ chính sách ưu đãi chăm sóc người có công đặc thù: Nâng mức hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở người có công; hỗ trợ người có công và thân nhân người có công từ 70 đến dưới 80 tuổi hưởng trợ cấp hàng tháng người cao tuổi; thực hiện điều dưỡng, phục hồi sức khỏe đối với người có công thuộc diện điều dưỡng hai năm một lần trong năm không thực hiện chế độ từ nguồn kinh phí Trung ương; hỗ trợ bằng tiền mặt đối với các trường hợp được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”…
Việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công luôn được các cấp, ngành, nhân dân quan tâm, trở thành việc làm thường xuyên, nét đẹp văn hóa tại các địa phương. Từ năm 2022 đến nay, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 19 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã trao tặng 294 sổ tiết kiệm tình nghĩa (tổng số tiền 361 triệu đồng);  hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 21 người có công và thân nhân người có công khó khăn về nhà ở (tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng đồng); 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng khi còn sống đều được các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận trực tiếp phụng dưỡng suốt đời…
Trong dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ năm nay, ngoài quà của Chủ tịch nước, tỉnh trích ngân sách hơn 36,6 tỷ đồng tặng quà cho 24.292 người có công với cách mạng. Những tình cảm chân thành ấy làm ấm lòng các thương, bệnh binh, người có công, thân nhân, gia đình chính sách, xoa dịu phần nào những đau thương, mất mát; đồng thời khẳng định thế hệ hôm nay không bao giờ quên công ơn của các Anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc.

Hoài Phương

Chính trị