Tạo thế trận cân bằng, bên cạnh các biện pháp khuyến khích, thu hút vốn đầu tư nước ngoài

26/10/2024 12:02 Số lượt xem: 281
(Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh)

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại Tổ 13.

 

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, sáng nay Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Tham gia thảo luận tại Tổ 13, Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh góp ý về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Theo đại biểu, để đạt được sự phát triển bền vững, điều cần thiết nhất là phải tạo thế trận cân bằng, bên cạnh các biện pháp khuyến khích, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần tập trung vào việc nuôi dưỡng và phát triển các doanh nghiệp nội địa: Một là, triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa, bao hàm giải pháp nhằm “giữ lửa” đà cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho kinh tế tư nhân. 

Hai là, Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm khơi thông điểm nghẽn tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tư nhân

Ba là, cần nghiên cứu, triển khai các chính sách ưu đãi đặc thù đủ mạnh, có sự phân hóa trong các lĩnh vực về thuế, đất đai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tàu có tiềm năng phát triển lớn.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, kích thích tổng cầu nhằm hỗ trợ, tạo động lực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; nghiên cứu kéo dài thời gian giảm thuế VAT theo Nghị định 72 đến hết năm 2025, thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa...

Năm là, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, triển khai quyết liệt và đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm theo Nghị quyết 98[1] của Quốc hội, có các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu – một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt.

 

Đại biểu Nguyễn Như So tham gia đóng góp ý kiện thảo luận tại Tổ.

 

Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất bền vững, ứng dụng công nghệ xanh nhằm thực hiện mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050;  “bình dân hóa” tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị), tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể làm được. Tính đến hết tháng 3/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt khoảng 637.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế, con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số tín dụng xanh của nền kinh tế phải nâng lên 30-40% tổng dư nợ tín dụng, thì sự chuyển biến kinh tế xanh mới được đánh giá là kết quả tốt. Như vậy, chúng ta còn cần nguồn lực rất lớn cho dư địa tăng trưởng này. Có thể thúc đẩy doanh nghiệp bằng cách miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư xanh hoặc áp dụng chính sách tài chính ưu đãi như gói tín dụng lãi suất thấp dành cho các công nghệ xanh, các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, tín chỉ các bon có thể được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 5-7% trong 10-15 năm, thay vì mức thuế suất thông thường là 20% như hiện nay…

Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã giáng một đòn nặng nề đến nền kinh tế, làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản[1]. Một lần nữa, thiên tai khốc liệt đã phơi bày sự mong manh của nền sản xuất nếu tiếp tục đi ngược lại nguyên tắc phát triển bền vững. Nếu không có những bước tiến quyết liệt trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh, chúng ta sẽ mãi lâm vào vòng xoáy luẩn quẩn của thiên tai, mất mát và khắc phục, “nước đến chân mới nhảy” mà vẫn khiến nền kinh tế tổn thương...

Thái Uyên

Chính trị