Quy định rõ về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên thảo luận.
Tham gia thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật PCCC và CNCH, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung: Điều kiện hoạt động; Quy định rõ PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; PCCC trong lắp đặt, sử dụng điện; xây dựng, bố trí lực lượng PCCC, CNCH; cần bổ sung cơ quan kiểm lâm là lực lượng chuyên ngành, nguyên tắc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác PCCC, CNCH; quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm và bổ sung thành tố kinh tế vào trong dự thảo Luật; trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình thi công công trình xây dựng; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy; nghiên cứu kỹ hơn các nguồn nước chữa cháy ở các ngõ nhỏ, chung cư cao tầng....
Qua thảo luận đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan bám sát kết luận, chủ động chủ trì phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức được nhiều cuộc tọa đàm, khảo sát để thu thập thông tin phục vụ tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện nội dung của dự thảo luật và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chất lượng tốt; quán triệt đầy đủ tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật do luật giao để có hiệu lực; đồng thời triển khai trong thực tiễn; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương có báo cáo tổng hợp để gửi đại biểu Quốc hội và chuyển cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình, trình với Quốc hội thông qua theo đúng chương trình của kỳ họp.
Đại biểu dự phiên họp.
* Tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035.
Tờ trình Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035 gồm có 7 mục tiêu tổng quát. Cụ thể: tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc; huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc; huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, bám sát nội dung kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về 6 nhiệm vụ, bốn 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa; Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ phát triển văn hóa tại Hội thảo về cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển Văn hóa năm 2022. Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035
Nêu ý kiến thẩm tra tại Phiên họp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình và cho rằng việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; hồ sơ Chương trình đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Đồng thời thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời gian thực hiện Chương trình, từ năm 2025 đến hết năm 2035.