Đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06

21/12/2023 19:19 Số lượt xem: 1609
Chiều 21-12, tại Hà Nội, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tuyến kết nối tới các điểm cầu trong cả nước nhằm đánh giá 2 năm (từ ngày 18-1-2022 đến ngày 18-12-2023) thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu tỉnh.  

 

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, qua 2 năm triển khai, các mục tiêu cơ bản của Đề án 06 đạt được theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Nổi bật là nhận thức, hành động của các cấp, ngành và nhân dân về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến tích cực; nhiều tiện ích dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử được cung cấp, người dân được thụ hưởng ngày càng tốt hơn; các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục được đẩy mạnh; góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, giấy tờ sang phương thức quản lý hiện đại… Các đại biểu tại các điểm cầu trao đổi, thảo luận đánh giá những kết quả đạt được, bài học cần phát huy, nhất là đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06 trong năm 2024, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quyết liệt, quyết tâm tháo gỡ những điểm “nghẽn”, tồn tại, hạn chế để triển khai hiệu quả Đề án 06 theo tiến độ, mục tiêu đề ra; tập trung hoàn thiện các thể chế, kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh cung cấp tiện ích cho người dân gắn với công tác quản lý xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương… Trước mắt, triển khai các nhiệm vụ cấp bách từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhất là liên quan công tác an sinh xã hội phục vụ nhân dân.        

Đối với tỉnh, qua 2 năm triển khai Đề án 06, các cấp, ngành, địa phương chủ động triển khai quyết liệt nhiều giải pháp bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ Đề án đề ra; không có nhiệm vụ nào chậm, muộn; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ nét; công tác số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC được đẩy mạnh; việc thanh toán không dùng tiền mặt được quan tâm chỉ đạo; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu… Một số kết quả cụ thể: Tỷ lệ số hóa hồ sơ toàn tỉnh đạt trung bình 79%, tăng 66%; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến đạt trung bình 72%; là 1 trong 10 địa phương sớm hoàn thành cấp 100% Căn cước công dân cho công dân, được Bộ Công an gửi thư khen; hướng dẫn kích hoạt 647.873/682.493 tài khoản định danh điện tử (đạt tỷ lệ 94,9%)…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị để triển khai hiệu quả các nội dung của Đề án 06 trong năm 2024 và thời gian tiếp theo; nhất là phối hợp với các cơ quan liên quan khắc phục ngay những mặt còn tồn tại, hạn chế; tiếp tục rà soát, thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng quản lý đảm bảo đúng tiến độ của Đề án 06. Rà soát, tổng hợp nhu cầu mua sắm trang thiết bị phục vụ Đề án 06 theo Văn bản số 1714 ngày 16-11-2023 của Sở Tài Chính gửi Công an tỉnh tổng hợp trước ngày 30-12-2023; phối hợp với Cục C06, Bộ Công an và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện các mô hình theo đúng tiến độ và thời gian tại Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-TCTĐA06 giữa UBND tỉnh và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.    

Xuân Me

Chính trị