Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến thảo luận tại Tổ

24/10/2024 20:57 Số lượt xem: 126
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Dự án Luật Dữ liệu.

Tham gia ý kiến vào Dự án Luật Dữ liệu thảo luận tại Tổ, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu đã nêu tại Tờ trình số 595 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra số 2340 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đồng thời tham gia góp ý về một số nội dung:
Để bảo đảm thống nhất sử dụng từ ngữ trong toàn bộ dự thảo Luật Dữ liệu (tại Điều 2 quy định về đối tượng áp dụng; khoản 17, khoản 21, khoản 22, Điều 3 quy định về chủ thể dữ liệu, chủ quản dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu và các điều khoản liên quan trong dự thảo Luật đều dùng cụm từ “cá nhân”), đề nghị sửa đổi từ “thể nhân” thành “cá nhân” tại khoản 24, Điều 3 dự thảo luật. Đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của cá nhân về bảo đảm chất lượng dữ liệu; xác định rõ các loại dữ liệu quan trọng bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài, quy định về lưu trữ bản sao dữ liệu quan trọng tại Việt Nam và truy xuất, kiểm soát dữ liệu khi đã chuyển giao; trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố dữ liệu, quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong việc quyết định việc chuyển giao dữ liệu, tuân thủ quy định về đánh giá dữ liệu để tránh chồng chéo trong quản lý; cần quy định rõ những hoạt động nào được chi từ Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, hoạt động nào chi từ ngân sách nhà nước.
Về sàn giao dịch dữ liệu (Điều 53), Dự thảo luật quy định sàn giao dịch dữ liệu là một bước tiến mới tạo đòn bẩy cho nền kinh tế số tại Việt Nam. Sàn giao dịch dữ liệu ra đời không chỉ giúp các hoạt động liên quan đến dữ liệu minh bạch, an toàn, mà còn đảm bảo tính hợp pháp. Điều này tạo ra một môi trường tin cậy, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, đặc thù, khó tránh khỏi các nguy cơ về an ninh mạng, tấn công mã hóa dữ liệu, đánh cắp, chỉnh sửa dữ liệu và lộ, lọt dữ liệu. Do đó, để có sự quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh, an toàn, cần cân nhắc áp dụng thí điểm về Sàn giao dịch dữ liệu, để có những đánh giá cụ thể trước khi luật hoá.
 Cũng tham gia thảo luận về Dự án Luật Dữ liệu, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Trong bối cảnh tác động của công nghiệp 4.0, dữ liệu là một tài nguyên có giá trị và là một nguồn lực còn dư địa đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Nhất trí với việc ban hành dự án Luật Dữ liệu, đề nghị Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp lần này. Việc thông qua dự án luật này là cơ sở pháp lý, thể chế, nâng cao năng lực nguồn lực của con người, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm thông suốt, đủ mạnh để thích ứng thực tiễn.
Đề nghị, dữ liệu cần được sử dụng, quản lý có hiệu quả công khai, minh bạch, tập trung, nhưng phải bảo đảm sự bảo mật, có sự phân loại chia sẻ dữ liệu theo đúng đối tượng, cơ quan, tổ chức; nên xem xét đặt tên gọi của luật, có thể gọi là Luật Dữ liệu số, vì nếu để là Luật Dữ liệu sẽ quá rộng. Về tính thống nhất đồng bộ pháp luật qua hồ sơ của dự án luật thấy rằng, Luật Dữ liệu có liên quan đến rất nhiều luật, nhưng trong báo cáo rà soát do cơ quan chủ trì soạn thảo hiện mới có 6 luật, còn lại các luật khác chưa được thể hiện. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Hiện nay các bộ, ngành, địa phương đều có dữ liệu theo lĩnh vực, ngành, địa bàn, cho nên khi xây dựng dự án Luật Dữ liệu cần đánh giá kỹ, bảo đảm tính liên thông, thông suốt, an toàn trong áp dụng chia sẻ dữ liệu, để khi triển khai không có sự xáo trộn. Cụ thể, điều 4 áp dụng pháp luật, băn khoăn bởi thời gian gần đây hầu như các dự án luật Chính phủ đều có đề nghị về áp dụng pháp luật, đề nghị Chính phủ nên cân nhắc xem xét bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện. Liên quan đến quỹ phát triển dữ liệu quốc gia tại điều 29, đề nghị cân nhắc rà soát kỹ quỹ này, đặc biệt không chi trùng với các hoạt động đã được chi từ ngân sách nhà nước. Về tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật dữ liệu, phải phù hợp với pháp luật về tiêu chuẩn kỹ thuật đang được Quốc hội xem xét cho ý kiến; nên quy định theo hướng danh mục bao quát, không nhất thiết phải mỗi bộ, ngành, địa phương phải ban hành các quy chuẩn riêng, mà nên quy định theo hướng đặc thù, bảo đảm giảm thiểu việc ban hành các quy chuẩn, để khi luật được ban hành có thể thực hiện được ngay…

Thùy Dương

Chính trị