Bộ đội Cụ Hồ “chiến đấu trong thời bình”

13/09/2024 15:33 Số lượt xem: 1033
Bão số 3 (YAGI) được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua và sau bão là mưa, lũ lớn, để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Bắc Ninh. Từ trong bão, giông, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, hiệp đồng với các đơn vị chủ lực, phối hợp các lực lượng và nhân dân tích cực phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Bộ đội các đơn vị chủ lực cùng LLVT tỉnh chống lũ trên đê bối sông Cầu đoạn qua phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh đêm 10-9.

 

“Vì nhân dân phục vụ”

Vừa chỉ huy lực lượng vừa trực tiếp tham gia cứu hộ, Trung tá Hà Văn Đại, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Yên Phong trong bộ quân phục ướt sũng thông tin nhanh: Ngày 11-9, nước sông Cà Lồ dâng nhanh khiến các thôn Diên Lộc và Đồng Nhân thuộc xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong bị cô lập. Trong 1.500 nhân khẩu của 2 thôn có nhiều người già, trẻ em và phụ nữ không kịp sơ tán. Được Bộ CHQS tỉnh điều động cho 2 chiếc xuồng máy, Ban CHQS huyện Yên Phong cử 25 cán bộ, nhân viên hỗ trợ nhân dân sơ tán và cứu tài sản với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Thiếu tá Đào Duy Thịnh, cán bộ Ban CHQS huyện Yên Phong vừa đẩy bè vừa nói: “Nước ngập sâu kèm mưa lớn và gió mạnh, việc cứu hộ rất khó khăn. Nhiều điểm xuồng máy không vào được, bộ đội phải bơi vào, dùng thuyền nhỏ, bè mảng tự chế từ gỗ, thân cây chuối để đón bà con ra điểm tập kết”. Vác bao thóc nặng lội đi trong lũ để giúp dân chuyển đến gửi nhờ nhà cao tầng, Thiếu tá Phạm Văn Thắng, cán bộ Ban CHQS huyện Yên Phong vẫn cùng đồng đội động viên lẫn nhau “Cố gắng lên! Cứu được thêm gì thì cố gắng hết sức để nhân dân đỡ thiệt hại”.
6 giờ liên tục dầm mình trong nước lũ, trời mưa, nêu cao tinh thần “tính mạng con người là trên hết, trước hết”, cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Yên Phong đã đưa được gần 300 trẻ em, người già, phụ nữ của thôn Diên Lộc và thôn Đồng Nhân đến nơi trú tránh. 15 học sinh của Trường THPT Yên Phong số 1 quê ở hai thôn trên cũng được bộ đội đưa đến tạm trú tại trường để không đứt đoạn việc học. Ngồi trên xuồng cứu hộ để di chuyển đến nơi an toàn, Thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Căng ở thôn Diên Lộc xúc động: “Trong thời chiến, thế hệ chúng tôi đã hy sinh xương máu chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong hòa bình, những người lính thời nay tiếp tục phát huy và làm ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ để thực sự “vì nhân dân quên mình” để chiến đấu hết “giặc dịch” lại đến “giặc thiên tai”.
Da nhợt đi vì ngâm trong nước, cái lạnh ngấm dần làm run bờ môi nhưng ý chí quyết tâm “vì nhân dân phục vụ” vẫn thôi thúc bước chân người lính tiếp tục nhoài đi trong lũ để chuyển 60 bao thóc, 500 con gà 4 chiếc xe máy lên vị trí an toàn. Cùng với nhiệm vụ cứu hộ là công tác tiếp tế vì còn 190/348 gia đình thôn Diên Lộc, Đồng Nhân cử người ở lại trông coi tài sản. Anh Lê Văn Khương, thôn Diên Lộc tâm sự: “Ở lại giữa mênh mông nước nhưng rất ấm lòng vì hàng ngày bộ đội cùng cán bộ xã, thôn, các nhà hảo tâm đều tiêp tế, động viên. Người dân chúng tôi thêm vững tin để vượt qua lúc khó khăn này”. Không để ai bị bỏ lại phía sau, suốt những ngày úng ngập, bộ đội lại thường trực đi xuồng, bơi thuyền “đến từng ngõ, gõ từng nhà” cung cấp thực phẩm, nước uống.
Cũng trong mưa lũ, LLVT huyện Gia Bình di chuyển nhiều tài sản của người dân sống ngoài đê của thôn Tân Tiến, xã Cao Đức. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 284 (Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không - Không quân) cùng bộ đội và công an thị xã Quế Võ sơ tán nhân dân các thôn Phù Lãng, Đoàn Kết và Thủ Công (xã Phù Lãng) đến nơi an toàn. Bộ đội và dân quân trong toàn tỉnh đều huy động tối đa lực lượng với tinh thần trách nhiệm cao nhất giúp đỡ nhân dân trong thiên tai.

 

LLVT huyện Yên Phong sơ tán người dân xã Hòa Tiến đến nơi an toàn trong ngày 11-9.

Quân, dân một lòng

Sau bão, lượng mưa lớn đẩy mức nước các con sông trên địa bàn tỉnh lên cao. Nhiều đoạn đê xung yếu nước tràn mặt cùng nhiều sự cố cống, kè và mặt đê. Vừa khẩn trương khắc phục hậu quả của bão đối với doanh trại, vừa tăng cường lực lượng tham gia khắc phục hậu quả trên địa bàn, LLVT tỉnh lại “căng mình” chống lũ.
Suốt từ chiều 10-9 đến ngày 11-9, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS thành phố, Quân đoàn 12, Công an tỉnh… cùng các đội xung kích, dân quân và nhân dân phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh tập trung chống lũ tại đê sông Cầu. Vượt qua mưa to, gió lớn, đêm tối, quân và dân một lòng dồn hàng nghìn bao cát ngăn tràn, chống sóng, hỗ trợ cho đê an toàn trước dòng lũ xiết. Binh Nhất Chu Trung Hòa, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Pháo binh 164, Quân đoàn 12 bộc bạch: “Tham gia hộ đê với cường độ công việc khẩn trương, nặng nhọc, dù rất mệt nhưng em cùng đồng đội đều nỗ lực làm việc với hiệu quả cao nhất. Mong góp phần nhỏ bé bảo vệ cuộc sống an toàn cho nhân dân”.
Đội mưa, ngược gió chống lũ trên sông Thái Bình trong ngày 11 và 12-9, hơn 400 cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Lương Tài cùng lực lượng xung kích các xã Minh Tân, Phú Lương, Lâm Thao, Trung Chính tham gia xử lý sự cố rò rỉ cống Văn Thai và bể xả Trạm bơm Minh Tân. Cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Tiên Du và Yên Phong cùng dân quân và nhân dân gia cố hàng trăm mét đê thuộc bờ hữu và tả sông Ngũ Huyện Khê...

 

Các đơn vị quân đội và LLVT tỉnh tham gia khắc phục hậu quả của thiên tai trên địa bàn tỉnh gồm có:
- Bộ CHQS tỉnh huy động 202 bộ đội thường trực và 1.242 dân quân;
- Quân đoàn 12 huy động 180 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Pháo binh 164 và Trung đoàn 101 thuộc Sư đoàn 325;
- Trường Sĩ quan Chính trị huy động 50 học viên;
- Lữ đoàn Công binh 229 huy động 50 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cùng nhiều xe, máy, phương tiện.
- Trung đoàn 284 (Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không - Không quân) cử hàng chục cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ sơ tán nhân dân xã Phù Lãng và tài sản.


Cùng với lực lượng thường trực, dân quân trong toàn tỉnh phát huy tốt vai trò của lực lượng tại chỗ, làm nòng cốt của các Đội xung kích, Đội tuần tra, canh gác đê. Các sự cố về đê, kè, cống đều có sự đóng góp tích cực của LLVT tỉnh trong phát hiện, báo cáo, tham mưu và trực tiếp tham gia bảo vệ đê và chống lũ.
Với tinh thần “ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội” và phương châm “4 tại chỗ”, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ LLVT tỉnh và các đơn vị chủ lực đã tổ chức lực lượng, phương tiện, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, hiểm nguy, xung kích đi đầu trong phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.
Đại tá Nghiêm Đình Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Diễn biến sau bão còn rất phức tạp, khó lường. LLVT tỉnh tiếp tục nêu cao ý chí quyết tâm, đoàn kết, hiệp đồng trong công tác phòng, chống thiên tai, tích cực giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống”.

Ghi chép của Bảo Anh - Văn Hùng

Biển đảo là quê hương