Trạng Bịu và tấm lòng nhân đức quảng đại
Lên ba tuổi, Nguyễn Đăng Đạo được bác là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo cho theo lên biên giới nhân một chuyến đi sứ nhà Thanh. Sứ Thanh lấy làm kinh ngạc khi nhìn thấy cậu bé còn nhỏ tuổi mà vượt qua đường xa, núi cao vẫn nhanh nhẹn, tháo vát, thật là kỳ đồng! Tại nhà thờ Nguyễn Đăng Đạo ngày nay vẫn có vế câu đối “Tam tuế kỳ đồng kinh sứ Bắc” (nghĩa là: Ba tuổi kỳ đồng làm kinh ngạc sứ giả Bắc triều) ý nói đến sự kiện này.
Sáu tuổi, Nguyễn Đăng Đạo được gia đình cho đi học. Ông nổi tiếng thông minh, học giỏi, tiếp thu kiến thức phi thường, được bạn bè đồng học mến phục. Năm 16 tuổi, ông thi đỗ tam trường. Năm 19 tuổi, ông thi hương đỗ đầu hương cống được theo học ở Quốc Tử Giám. Khoa thi Quý Hợi, niên hiệu Chính hòa 4 (1683), Nguyễn Đăng Đạo đỗ Trạng nguyên và chính thức bắt đầu con đường quan lộ. Ông được vua Lê chúa Trịnh tin dùng và từng đảm nhiệm qua nhiều vị trí quan trọng từ Chánh sứ, Ngự sử đài, Thượng thư rồi làm tới chức Tể tướng. Ông cũng là một trong những nhân vật tiêu biểu được các sử quan triều Nguyễn ghi chép lại trong “Đại Nam nhất thống chí” với nhận định là “người cứng rắn dám nói thẳng”. Cùng với đóng góp cho triều đình, Nguyễn Đăng Đạo còn thương dân, biết chăm lo đời sống nhân dân.
Người dân Hoài Bão còn truyền tụng việc quan Trạng chia ruộng vua ban cho dân xưa kia. Nguyên là Nguyễn Đăng Đạo được triều đình ban cho ruộng lộc song vốn tính liêm khiết ông nhất mực từ chối không nhận. Vua và các triều thần khuyên mãi, ông bèn xin lĩnh khu ruộng bỏ hoang đầy lau lách và cỏ dại, gọi là cánh đồng cầu vực. Sau đó ông cho các gia đình nghèo khó ra đó phát cỏ, cải tạo để làm thành ruộng cày cấy được. Khi trở thành ruộng tốt, ông chia hẳn cho các gia đình...
Nhắc đến Trạng Bịu, nhân dân quanh vùng vẫn nhớ chuyện ông Trạng cứu đói. Một năm trời làm mất mùa, dân chúng quê ông đói khổ, làng xóm tiêu điều. Thương dân, ông viết thư về khuyên phu nhân phát tiền gạo cứu giúp người nghèo đói với lời lẽ cảm động: “Ta nhân danh làm quan đại thần coi việc triều đình không nỡ ngồi nhìn nhân dân ta đói mà không xót thương, phu nhân hãy đem tiền thóc của nhà ra cứu đói, cấp thóc cho dân gieo mạ cấy tái giá”. Nhờ công đức quan Trạng mà dân địa phương qua được bước khó khăn. Được no ấm, dân chúng cảm ơn ân nghĩa sâu nặng của quan Trạng và truyền tụng: “Bất hữu Trạng nguyên tiền/Ngô dân hà dĩ an/ Bất hữu Trạng nguyên túc/ Ngô dân hà dĩ dục/Tướng công chi đức/Lịch vạn thế nhi bất vong” (nghĩa là: Không có tiền quan Trạng/Dân ta làm sao sống yên lành/Không có lúa của quan Trạng/Dân ca làm sao nuôi nhau được/Đức của Tướng công/ Công ơn ở Tướng công/ Trải muôn đời nhắc nhở khôn cùng).
Dân gian còn truyền rằng, thấy dân đi từ Khắc Niệm ra chợ Bịu phải lội qua một ngòi nước giữa đồng, đi lại rất khó khăn, Trạng Bịu lấy tiền riêng của gia đình cho dân làm một chiếc cầu, có mái lợp để mọi người qua lại được thuận tiện và làm chỗ tránh mưa nắng. Cầu đó thường gọi là “Cầu Còng”, còn bà con địa phương nhớ ơn quan Trạng nên gọi là “Cầu vồng quan Trạng”...
Bàn về Trạng Bịu, các học giả sau này nhận định: Nguyễn Đăng Đạo là một bậc phi thường, làm quan trung trực liêm chính, đi sứ giữ gìn được quốc thể, lại có lòng nhân từ quảng đại thật là một tấm gương sáng của đời Hậu Lê phản chiếu đến nay. Những dấu tích vật chất hữu hình hiển hách lúc làm quan theo thời gian rồi cũng không tránh khỏi quy luật hữu hoại mà mai một đi. Trái lại chỉ có một vật vô hình mà không bao giờ hủy hoại được, đó chính là cái sự nghiệp vẻ vang ghi chép ở sử sách và truyền tụng ở nhân gian.
- Bản tin ngày 5-11-2024.mp4
- Bản tin ngày 4-11-2024.mp4
- Điểm tin trong tuần từ ngày 28 - 10 đến 3 - 11
- Dự báo thời tiết đêm 3 và ngày 4-11
- Bản tin ngày 2.11.mp4
- Dự báo thời tiết đêm 2 ngày 3-11
- Gặp mặt tướng lĩnh Quân đội nhân dân..mp4
- Bản tin ngày 1-11.mp4
- Dự báo thời tiết đêm 1 và ngày 2-11
- Bản tin ngày 31.10.mp4