Vị Tổng đốc đầu tiên ở Bắc Ninh

03/11/2024 20:32 Số lượt xem: 1823
Trong quá trình tìm tư liệu để viết về các vị Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh, tôi tìm thấy tấm bia ở cổng chùa Hồng Quang thuộc khu phố Hoà Đình phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. (Bia 2 mặt, có kích thước 35 x 49 cm, không hoa văn, không kỵ huý, có 31 dòng, khoảng 550 chữ). Bia nói về vị Tổng đốc đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh với nhiều tình tiết rất cảm động.

Chùa Hồng Quang, khu phố Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.     Ảnh: Thanh Lâm

 

Sau đây là nội dung văn bia.
Hoàng quân họ Hoàng tên Cáo người xã Tân Quảng huyện Tân Long tỉnh Gia Định. Vào một ngày tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) được nghỉ hưu do có bệnh và mất vào ngày 22 tháng 11 năm đó, hưởng thọ 69 tuổi, không có người thừa tự, vì vậy không mang về quê mai táng.
Trong thời kỳ làm quan, ngài đồng thời cùng làm quan với ngài Bố Chánh sứ họ Nguyễn, Án sát sứ họ Phạm. Ngày 18 tháng 12 năm đó (1837), ngài được mai táng tại đất làng Lỗi Đình huyện Tiên Du phủ Từ Sơn bản tỉnh (nay là khu phố Hoà Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh). Thân hào bản tỉnh nhân đó đặt 1 mẫu 2 sào ruộng giao cho xã dân và sư chùa cúng giỗ ngài.
Than ôi! Người nhân đức ắt có hậu. Hoàng quân càng là người như vậy mà lại không có con nối dõi! Ngày xưa, người có công đức ắt được thờ tự. Hoàng quân công đức so với cổ nhân chẳng kém gì mà còn hơn hẳn người đời. Tạo hoá thiên địa sao chẳng thấy! Hoàng quân tính tình điềm đạm, ôn hoà, phúc hậu, thuần cẩn, thành thực.
Năm Kỷ Dậu thời quốc sơ (1789) giữ chức Phụng thị Chu lư. Dưới triều Gia Long (1802-1819) trải làm các chức trong cung Phó vệ uý Sai sứ, có thành tích. Vào thời Minh Mệnh trải làm Trấn thủ trấn Bình Thuận 6 năm và làm việc phân chia tỉnh hạt, làm quan Lãnh binh ở Huyền Sơn, rồi lại được thăng lên chức Thự Tổng chế thuỷ quân và Đề đốc tỉnh Bắc Ninh, được cử giữ chức quyền Tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên (Sơn Tây-Hưng Hoá-Tuyên Quang), quyền Tổng đốc An-Tĩnh (Nghệ An-Hà Tĩnh). Vào một ngày tháng 4 năm Gia Long thứ 16 (1817), ngài được thăng chức Quang Thịnh Tướng quân, Hậu tào Thống chế kiêm Binh bộ Thượng thư, lại kiêm Thẩm Hình viện, Hữu Đô Ngự sử, Tổng đốc Bắc Ninh-Thái Nguyên, Đề đốc Quân vụ các tỉnh kiêm lý Lương úy. Nhậm chức được khoảng 3 năm, trong địa phận yên bình vô sự, dân được bình an. Mọi người sống với nhau rất thân yêu và gọi ngài là “Phật Đốc Bộ đường”. Nhân đến khi bị bệnh,  ngài được nghỉ hưu mấy tháng rồi mất. Dân trong hạt nghe tin, chưa đưa thi hài về mộ, tranh nhau xem bói, được ngày tốt, mang về Lỗi Đình mai táng. Nhân đó mà dân ở đó thờ tự ngài. Đặt ruộng theo ý của hai đại quan Bố chính và Án sát, lấy hoa lợi của ruộng để thờ cúng.
Than ôi! Than ôi! Ngài thực là được trời sai xuống, còn đá là để khắc bia, đức của ngài được ghi lên bia.
[Mặt sau]: Hương trưởng thôn Lỗi Đình, xã Lỗi Đình, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là Nguyễn Văn Lĩnh, Nguyễn Văn Thấu, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Văn Cơ cùng mọi người trên dưới trong thôn cam kết.
Nguyên Tổng đốc Ninh-Thái Hoàng phủ quân, mộ tại dân thôn. Dân thôn tình nguyện hàng năm trông nom quét dọn, lại được thừa tự cày cấy ruộng gửi giỗ 1 mẫu, ruộng chùa 2 sào. Hằng năm đến ngày 22 tháng 11 là ngày huý nhật, dân thôn biện đồ cúng một bàn, gồm 1 miếng thịt lợn, 1 bàn xôi, 1 vò rượu, trầu cau, kim ngân, hương nến đủ dùng, mang đến trước bia ở chùa làm lễ. Tại chùa hằng năm, các lễ thuộc ruộng tự điền, sư chùa biện đèn hương, đồ chay hiến cúng để làm thành thường lệ. Nếu phế bỏ sẽ có tội. Các ruộng tự điền, kỵ điền được kê rõ số sào, thước, tấc dưới đây:
- Ruộng giỗ tại xứ Cửa Chùa 1 mẫu, giá tiền là 250 quan, trong đó: một thửa 4 sào, một thửa 3 sào, một thửa 2 sào 5 thước, một thửa ruộng mùa 10 thước.
- Ruộng chùa tại xứ Cửa Chùa: một thửa 2 sào giá tiền là 50 quan.
Ngày 18 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) dựng bia.
Từ nội dung văn bia trên đây, cho  thấy: Tổng đốc họ Hoàng là vị Tổng đốc đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh có chính tích rất rực rỡ, trải qua nhiều chức vụ trọng yếu của triều đình nhà Nguyễn; có đời sống cá nhân rất đặc biệt: không có con, không có người thân thừa tự, sau khi chết, không để lại chút tài sản riêng. Ông là vị quan duy nhất trong thời quân chủ trên đất Bắc Ninh được dân sở tại gọi là “Phật”. Ông cũng là vị quan duy nhất ở Bắc Ninh được thân hào trong tỉnh đặt ruộng vào chùa để cúng giỗ hằng năm và được người đương thời ca ngợi là một vị quan “tính tình điềm đạm, ôn hoà, phúc hậu, thuần cẩn, thành thực”.
Trong số các vị Tổng đốc ở Bắc Ninh, có nhiều vị được dân quý trọng (như Lê Thuỳ, Phan Kế Toại,...) nhưng chính tích của họ chỉ được truyền tụng qua những câu chuyện trong dân gian. Chỉ duy nhất có vị Tổng đốc họ Hoàng là được văn bia ghi chép với nhiều tình tiết rất chân thực và cảm động.

Nguyễn Quang Khải