Thăm đền Tam Phủ

01/11/2024 09:44 Số lượt xem: 51
Đền Tam Phủ thuộc xã Cao Đức (Gia Bình), nằm trên bãi Nguyệt Bàn, trước mặt là bãi bồi, hoa màu xanh biếc quanh năm, xa xa sông nước mênh mông. Đền Tam Phủ, bãi Nguyệt Bàn, bến Bình Than là những địa danh nổi tiếng trong lịch sử dân tộc rất đáng để du khách tìm hiểu, trải nghiệm.

Đền thờ “Ba Vua” gồm 3 tòa tiền tế, trung đền và hậu cung.


Đền Tam Phủ (hay còn có tên là đền Ba Vua), nơi tôn thờ 3 vị chí tôn: Thiên Phủ, Địa Phủ, Thuỷ Phủ - Vua của ba cõi tự nhiên (trời - đất - nước) đã tạo hoá lên muôn loài. Đền cũng phối thờ một số nhân thần. Theo tư liệu ở địa phương, đền được khởi dựng từ lâu đời trên gò đất cao giữa bãi Nguyệt Bàn - bãi bồi lớn nổi lên giữa dòng thuộc hạ lưu sông Đuống và cũng là nơi tiếp giáp với Lục Đầu Giang. Di tích gắn liền với sự kiện lịch sử các vua quan nhà Trần triệu tập Hội nghị Bình Than (hội nghị quân sự) bàn kế sách đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược nước ta vào thế kỷ XIII (năm 1282) đã lên bãi Nguyệt Bàn - Đền Tam Phủ làm lễ tế cáo trời đất, cầu mong thắng giặc, giữ yên bờ cõi. Về sông Bình Than và các đoạn sông như Đại Than, cửa Đại Than, đã được thư tịch sử sách cổ ghi chép lại. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn ghi chép như sau: “Mùa đông, tháng mười (1282), vua ra ngự Bình Than đóng ở vùng Trần Xá họp các vương hầu và trăm quan bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu”; đoạn khác của sách lại ghi: “Mùa thu, tháng Tám (1283) Hưng Đạo Vương điều các quân của vương hầu duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, chia quân đóng giữ Bình Than và những nơi xung yếu khác”…
Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, khu di tích đền Tam Phủ ngày nay mang nhiều lớp tín ngưỡng. Phía trước là đền thờ “Ba vua”, phía sau là ngôi chùa thờ Phật và sau cùng là đền thờ Mẫu Liễu Hạnh. Ngôi đền thờ “Ba vua” gồm 3 tòa: Tiền tế, trung đền và hậu cung. Tòa tiền tế được xây dựng theo kiến trúc 3 gian 2 trái, mái đao cong, khung dựng hoàn toàn bằng gỗ lim với nhiều đường nét chạm trổ hình rồng, phượng, cây cỏ, hoa lá… Nơi đây có ban thờ đức Thánh Trần (Hưng Đạo vương - Trần Quốc Tuấn) - người đã có công đánh giặc Nguyên Mông ở vùng cửa Đại Than, được nhân dân nơi đây lập đền thờ và các triều vua ban tặng sắc phong. Trung đền được xây dựng theo kiến trúc 3 gian 2 chái, mái đao cong, có kiến trúc tương tự như tòa tiền tế, là nơi đặt ban thờ Ngũ vị tiên ông, Đức ông và Bà chúa Lục Đầu Giang. Đặc biệt, trên khám thờ có treo bức hoành phi cổ bằng tiếng Hán “Tam Phủ linh từ” (đền Tam Phủ linh thiêng), cột hai bên treo câu đối: “Vạn cổ nguy nga Tam Phủ điện/Thiên thu đột ngột Lục Đầu giang”… Ngăn cách giữa trung đền và hậu cung là một khoảng sân khá rộng, lát gạch vuông thường gọi là sân rồng. Hậu cung là nơi tối linh thiêng, đặt tượng thờ ba vị: Thiên phủ, Địa phủ, Thủy phủ trong dáng vẻ uy nghiêm. Tại tòa này còn có bức hoành phi ca ngợi bằng chữ Hán “Tôn cư tam giới” (ba ngài bậc tôn quý nhất ở ba cõi). Với những giá trị lịch sử tiêu biểu tại di tích, đền Tam Phủ đã được công nhận và cấp bằng xếp hạng cấp tỉnh năm 2007 và là một trong 14 điểm du lịch của tỉnh.
Để đến được đền Tam Phủ, du khách từ Hà Nội có thể đi hướng Quốc lộ 18, qua trạm thu phí rồi rẽ xuống hoặc xuôi theo bờ đê hữu Đuống khoảng 50 km tới đền thờ Cao Lỗ Vương rồi từ đây đi đò qua sông. Khi đến đền Tam Phủ, du khách sẽ được hòa mình vào không gian thoáng đãng, yên bình. Ngay trước cổng đền là những bãi hoa màu ngút ngát màu xanh. Phía ngoài là dòng sông đỏ nặng phù sa, tàu thuyền xuôi ngược. Vào đền Tam Phủ du khách không những được đến với một không gian linh thiêng, mà còn được đến với những trang sử hào hùng nổi tiếng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, du khách cũng có thể liên kết tham quan các di tích lịch sử khác trên đất Gia Bình và thưởng thức, mua sắm những sản vật địa phương.

Ngọc Đăng (tổng hợp)