Quy hoạch mạng lưới trường học đồng bộ theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa

08/11/2024 09:34 Số lượt xem: 99
Chuẩn hoá cơ sở vật chất là điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu dạy và học, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT tại Hội nghị tổng kết công tác kiên cố trường học giai đoạn 2013-2023 (tổ chức cuối tháng 10-2024), đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học mầm non và phổ thông công lập, tăng 73.290 phòng học so với năm 2013. Trong đó, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 86,6%, tăng 20,7%; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia các cấp học đạt khoảng 60%. Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ phòng học kiên cố cả nước sẽ về đích 100%.
Có thể nói, đạt mục tiêu trên không dễ, bởi cũng như vấn đề tuyển dụng giáo viên vào biên chế, tự thân Bộ GD-ĐT không quyết được mà chỉ có thể tham mưu liên ngành đề nghị Chính phủ trình Bộ Chính trị quyết định. Còn vấn đề kiên cố trường học, đạt hiệu quả đến đâu lại gần như phụ thuộc nỗ lực, quyết tâm cũng như nhận thức của lãnh đạo các tỉnh, thành phố về phát triển giáo dục. Nhất là các trường thuộc vùng sâu vùng xa và vùng khó khăn khu vực miền núi.
Tại Bắc Ninh, kiên cố trường học gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia các cấp từ hàng chục năm nay trở thành nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, ngành và các địa phương cùng vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh các thời kỳ, tại các địa phương, công trình trường học luôn được quan tâm và ưu tiên làm trước các công trình khác. Từ năm 2000, khi ngành GD-ĐT nhiều tỉnh, thanh phố còn mơ hồ về khái niệm trường chuẩn quốc gia thì Lương Tài, huyện thuần nông mới tái lập đã về đích sớm nhất toàn quốc với 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Từ Lương Tài, phong trào kiên cố trường học và xây dựng trường chuẩn quốc gia các cấp lan rộng đến các huyện, thị trong và ngoài tỉnh. Cùng với khối tiểu học, các trường, các địa phương thi đua xây dựng trường mầm non, THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia; từ mục tiêu đạt chuẩn mức 1, các trường, các địa phương lại thi xây dựng trường chuẩn mức 2; tỉnh còn quan tâm xây dựng trường điểm, trường trọng điểm các cấp học tạo thành những mô hình chuẩn mực cho các cơ sở cùng cấp học tập, nâng cao chất lượng. Tháng 8-2016, tỉnh khánh thành Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, ngôi trường xây mới hiện đại bậc nhất toàn quốc đáp ứng tốt các yêu cầu của trường chuyên chất lượng cao.
Thực hiện đề án kiên cố trường học, năm 2013,  tỷ lệ phòng học kiên cố các cấp học trong toàn tỉnh đã đạt 95,5% (mầm non đạt 84,9%, tiểu học đạt 95,7%, THCS đạt 93,8%, THPT đạt 99%). Đến cuối năm 2020, Bắc Ninh đã về đích ở cả 2 mục tiêu: 100% phòng học kiên cố và 100% trường công lập đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó tỷ lệ trường chuẩn quốc gia mức 2 đạt hơn 80%. Vào năm học 2024-2025, còn một số trường công lập chưa đạt chuẩn quốc gia là do mới thành lập chưa đủ thời gian và quy mô để được công nhận chuẩn. Khối ngoài công lập cũng có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia ở mức cao, nhất là khối mầm non…
Với sự nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân từ tỉnh đến xã, từ nhiều năm nay, Bắc Ninh trở thành điểm sáng tiêu biểu toàn quốc về công tác kiên cố trường học và xây dựng trường chuẩn quốc gia.

 

Trường Tiểu học Hoàn Sơn (Tiên Du) được quy hoạch xây mới hiện đại và đạt chuẩn ở mức cao.


Năm học 2024-2025, ngành GD-ĐT Bắc Ninh có 506 trường học từ cấp Mầm non đến THPT (trong đó có 465 trường công lập, chiếm 92%) với hơn 400 nghìn trẻ mầm non và học sinh các cấp gồm 177 trường Mầm non, 151 trường Tiểu học, 138 trường THCS, 40 trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Như đã nói, đến năm 2020, Bắc Ninh đã về đích ở cả 2 mục tiêu 100% phòng học kiên cố và 100% trường chuẩn quốc gia các cấp. Tuy nhiên một vấn đề lớn đặt ra từ nhiều năm nay, đó là do quá trình tăng dân số tự nhiên và cơ học khiến học sinh các cấp tăng rất nhanh, nhiều trường học nhất là khu trung tâm thành phố Bắc Ninh và thành phố Từ Sơn chịu áp lực quá tải về số lớp và số học sinh/lớp, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường. Như vậy về mặt lý thuyết, Bắc Ninh không thiếu phòng học và 100% phòng học đã được kiến cố hoá, nhưng trong nhiều phòng học của nhiều trường, số học sinh đã vượt chuẩn. Theo quy định những trường đã đạt chuẩn sau 5 năm phải thẩm định công nhận lại, nếu đạt thì công nhận, không đạt thì không công nhận. Như vậy nhiều trường học của tỉnh sau 5 năm đã không đủ các tiêu chí đạt chuẩn do quy mô không còn chuẩn.
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh với các đại biểu ngành GD-ĐT (tháng 10-2024), Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, chăm lo sự nghiệp trồng người luôn là ưu tiên của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Về vấn đề kiên cố trường học và xây dựng trường chuẩn quốc gia, tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong quy hoạch tổng thể mạng lưới trường học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và có giá trị sử dụng lâu dài, có tính đến áp lực tăng dân số. Những trường không đạt chuẩn sẽ phải tính toán lại, nếu còn diện tích thì xây dựng thêm phòng học; thiếu diện tích thì phải tính phương án di chuyển xây mới, không sửa chữa chắp vá gây lãng phí mà vẫn không đáp ứng các tiêu chí của trường chuẩn.
Với chức năng tham mưu, ngành GD-ĐT Bắc Ninh xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh các giải pháp cần thiết trong Quy hoạch tổng thể mạng lưới trường, lớp học đến năm 2030. Phấn đấu 100% trường công lập đủ điều kiện được công nhận trường chuẩn quốc gia các cấp, tạo điều kiện quan trọng để các trường nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện đề ra.

Trọng khánh