Phát triển phong trào tập luyện bóng chuyền hơi

28/10/2024 10:10 Số lượt xem: 101
Bóng chuyền hơi là một môn thể thao phổ thông được nhiều người ở nhiều lứa tuổi ưa chuộng. Trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây phong trào tập luyện, thi đấu bóng chuyền hơi diễn ra sôi nổi với hàng trăm câu lạc bộ (CLB) bóng chuyền hơi hoạt động ở các thôn, khu phố, xã, phường, cơ quan, đơn vị… và ngày càng khẳng định sức lan tỏa khi trở thành nội dung thi đấu từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.

Các vận động viên thi đấu nội dung bóng chuyền hơi nam tại Giải Vô địch Bóng chuyền tỉnh Cúp “Bông lúa vàng” năm 2024.

 

Bóng chuyền hơi là một môn thể thao phổ thông được nhiều người ở nhiều lứa tuổi ưa chuộng. Trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây phong trào tập luyện, thi đấu bóng chuyền hơi diễn ra sôi nổi với hàng trăm câu lạc bộ (CLB) bóng chuyền hơi hoạt động ở các thôn, khu phố, xã, phường, cơ quan, đơn vị… và ngày càng khẳng định sức lan tỏa khi trở thành nội dung thi đấu từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.
Tại Giải Vô địch Bóng chuyền tỉnh Cúp “Bông lúa vàng” năm 2024, bóng chuyền hơi thu hút 319 vận động viên (chiếm hơn 2/3 tổng số vận động viên dự giải) thuộc 40 đội bóng từ các Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông, Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh. Các đội đăng ký thi đấu ở 4 nội dung: bóng chuyền hơi nam (nhóm từ 16-45 tuổi và nhóm từ 46 tuổi trở lên); bóng chuyền hơi nữ (nhóm từ 16-40 tuổi và nhóm từ 41 tuổi trở lên)…
Số lượng vận động viên và đội bóng tham gia đông giúp các nội dung của giải diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao. Trong đó có không ít cuộc rượt đuổi tỷ số kịch tính, nhiều pha bóng bất ngờ khiến các cổ động viên có mặt tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh trầm trồ, mãn nhãn. Góp mặt trong đội hình đội Hội Nông dân huyện Yên Phong dự giải, VĐV Nguyễn Thị Chúc cho biết: “Yêu thích và luyện tập môn bóng chuyền hơi trong nhiều năm, tôi rất vui khi được tham gia giải đấu quy mô, chuyên nghiệp như thế này. Tấm huy chương tại giải sẽ là động lực để tôi và các vận động viên khác nuôi dưỡng đam mê, lan tỏa hơn nữa bộ môn bóng chuyền hơi đến cộng đồng”.
Ông Bùi Văn Khoa, huấn luyện viên đơn vị thành phố Bắc Ninh chia sẻ: “Tập luyện bóng chuyền hơi chủ yếu là những vận động viên không chuyên, vì thế đây là cơ hội quý báu để họ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường chuyên môn, học hỏi lẫn nhau. Việc bóng chuyền hơi trở thành nội dung thi đấu chính thức tại Giải vô địch bóng chuyền tỉnh với nhiều nhóm tuổi, bộ huy chương khẳng định bộ môn này đang phát triển theo hướng ngày càng nâng cao, không chỉ dừng lại ở mức độ phong trào mà còn ở các giải đấu chuyên môn cao”.
Nhìn từ Giải Vô địch Bóng chuyền tỉnh Cúp “Bông lúa vàng” năm 2024 có thể thấy phong trào tập luyện môn bóng chuyền hơi trên địa bàn tỉnh đang rất sôi nổi tạo ra nguồn tuyển chọn vận động viên phong phú cho các đơn vị. Những vận động viên đã tập luyện cả 2 môn bóng chuyền da và bóng chuyền hơi đều nhận thấy bóng chuyền hơi dễ chơi hơn vì trọng lượng bóng nhẹ, khi tập luyện và thi đấu không bị đau tay, ít gặp chấn thương như bóng chuyền da. Luật bóng chuyền hơi cũng linh hoạt, đơn giản hơn. Chính vì thế môn thể thao này nhanh chóng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thu hút nhiều người ở nhiều lứa tuổi tham gia luyện tập.
Hòa mình vào không khí tập luyện của người dân tại các nhà văn hóa khu dân cư hay những khu vực thể thao công cộng mới thấy phong trào chơi bóng chuyền hơi không chỉ có người cao tuổi tham gia mà còn rất đông các tầng lớp nam, nữ thanh niên, trung niên. Môn bóng này phù hợp với nhiều lứa tuổi như vậy do sân đấu chỉ có chiều dài 12m, rộng 6m, nhỏ hơn nhiều so với sân bóng chuyền da (18m x 9m). Chỉ cần một không gian nhỏ trong sân nhà văn hóa hay khu đất trống, căng lưới là có thể tập luyện được. Trong quá trình tập luyện và thi đấu, bóng chuyền hơi không đòi hỏi nhiều về thể lực, sức mạnh mà thiên về độ quan sát nhạy bén, sự uyển chuyển, linh hoạt của người chơi.
Chị Nguyễn Thu Trang (khu 2 Y Na, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh) cho biết: “Trái bóng được làm bằng cao su, nên người chơi xử lý một cách nhẹ nhàng, linh hoạt. Đặc biệt, phát bóng, tâng bóng, đập bóng không tốn nhiều sức, không bị đau tay. Tập bóng chuyền hơi một thời gian, sức khỏe và thể lực của tôi tăng lên”.
Với không ít người, tập luyện môn bóng chuyền hơi không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn là thời gian thư giãn tinh thần, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thảo, thôn Chi Hồ (xã Tân Chi, huyện Tiên Du) đã tập luyện bóng chuyền hơi được gần 5 năm chia sẻ: “Tôi thấy bóng chuyền hơi phù hợp với nữ, chơi không bị mất quá nhiều sức như các môn thể thao khác, nêu cao tinh thần đồng đội, vừa giúp rèn luyện sức khỏe vừa giải trí lành mạnh. Sân bóng chuyền hơi luôn rộn tiếng cười sảng khoái, vì thế dù bận đến mấy tôi luôn cố gắng thu xếp thời gian để tham gia”.
Ông Nguyễn Hải Bằng, Trưởng phòng Quản lý Thể dục - thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Bóng chuyền hơi là bộ môn thể thao có sức lan tỏa lớn trong phong trào thể dục thể thao quần chúng tại tỉnh. Thời gian tới, Sở phối hợp cùng các ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thêm nhiều giải đấu ở các cấp độ để các vận động viên có điều kiện thi đấu, giao lưu, tích lũy kinh nghiệm, đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, đào tạo chuyên môn cho các địa phương để đẩy mạnh phong trào. Công tác xã hội hóa thể thao cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nhân dân, đưa môn bóng chuyền hơi nói riêng và phong trào thể thao quần chúng nói chung ngày càng phát triển”.

Hoài Phương