Phát huy cốt cách con người Bắc Ninh trong xây dựng văn hóa giao thông

19/09/2024 20:58 Số lượt xem: 74
Phát huy truyền thống văn hóa và cốt cách con người Bắc Ninh văn minh, lịch thiệp, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai Bộ Quy tắc “Văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh nhằm từng bước điều chỉnh thái độ, hành vi của người tham gia giao thông, hướng tới hình thành chuẩn mực, bồi đắp nét đẹp đặc trưng “văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh trên nền tảng văn hoá Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Văn hóa giao thông cần được lan tỏa sâu rộng, bền bỉ và được tuyên truyền, giáo dục thực chất từ trong mỗi gia đình, mỗi trường học mà ở đó, người lớn phải làm gương cho con trẻ để tham gia giao thông hàng ngày mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà. Ý thức tự giác chấp hành luật giao thông là biểu hiện, điều kiện đầu tiên của văn hóa giao thông và cũng là mục tiêu cao nhất của việc tuyên truyền, giáo dục, thực hiện các mô hình về bảo đảm ATGT trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Cùng bố mẹ tham gia giao thông hàng ngày bằng xe máy, việc đội mũ bảo hiểm trở thành thói quen của em Tống Khánh Ly, lớp 5A, trường Tiểu học Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh). Khánh Ly chia sẻ: “Đội mũ bảo hiểm là hành động thiết thực giúp bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh, vì thế em luôn ghi nhớ thực hiện”.
Trường Tiểu học Khúc Xuyên nơi Khánh Ly đang học tập cũng là một trong những trường đầu tiên trên địa bàn thành phố triển khai mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên ATGT”.  Theo thầy Trần Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, việc tuyên truyền, giáo dục về trật tự ATGT cho học sinh luôn được trường quan tâm, chú trọng thông qua các tiết học, chương trình sinh hoạt chào cờ, ngoại khóa. Đặc biệt, từ khi triển khai mô hình “Nhà xe học sinh ATGT”, ý thức tham gia giao thông của học sinh và cả phụ huynh có sự chuyển biến tích cực, ngày càng tự giác, nền nếp.
Những mô hình “Cổng trường ATGT”, “Xếp hàng đón con” đang được nhà trường, phụ huynh, học sinh thực hiện tự giác, nghiêm túc. Chị Nguyễn Thị Thúy Nga (phường Phố Mới, thị xã Quế Võ) cho biết: “Hàng ngày đưa đón con ở cổng Trường Tiểu học Phố Mới, tôi yên tâm khi có các Cựu chiến binh hướng dẫn xếp xe hàng lối, trật tự. Dần dần, phụ huynh nhắc nhở nhau tự giác chấp hành để việc đón con thuận lợi, an toàn hơn”.

 

Cựu chiến binh phường Phố Mới (thị xã Quế Võ) hướng dẫn học sinh, phụ huynh tham gia giao thông an toàn.


Từ khi pháp luật về an toàn giao thông tăng nặng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn, đồng thời lực lượng CSGT tổ chức nhiều đợt cao điểm xử lý gắt gao lỗi vi phạm này, anh Đỗ Trung Hiếu, chủ một doanh nghiệp ở phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn thẳng thắn từ chối bia rượu vì phải lái xe. Trong trường hợp xác định cần uống rượu bia, anh chủ động nhờ người lái xe, đi taxi hoặc gọi người nhà đón. “Thấy được tác hại và hậu quả của việc uống rượu bia khi tham gia giao thông nên không chỉ riêng tôi mà các đối tác, khách hàng, người thân cũng thường xuyên nhắc nhở nhau không sử dụng bia, rượu nếu phải lái xe. Sau một thời gian nghiêm túc chấp hành, đến nay thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe” dần hình thành, nhờ vậy mà hiệu quả, năng suất lao động cũng tăng lên”, anh Hiếu chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh đánh giá: “Hiện nay, ý thức chấp hành quy định pháp luật về ATGT của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xây dựng văn hóa giao thông đi vào từng tiết học ở nhà trường, buổi sinh hoạt văn hóa ở từng thôn, khu phố, phong trào thi đua của từng hội, đoàn thể địa phương, tổ chức công đoàn doanh nghiệp và trong từng bữa cơm gia đình… Điều này có giá trị lan tỏa thiết thực để mọi người dân tự giác nhận thức, có kiến thức, phương pháp điều chỉnh hành vi của mình và được cộng đồng cổ vũ, giúp đỡ hình thành thói quen văn hóa”.
Thực tế, trong hơn 1 năm triển khai xây dựng “Tỉnh ATGT”, những hành động văn hóa giao thông được tiếp sức, cổ vũ bởi nhiều phong trào, chiến dịch tuyên truyền rộng khắp bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội. Hàng ngày, người đi đường ấn tượng bởi các pano, khẩu hiệu tuyên truyền được gắn tại các ngã ba, ngã tư, đầu khu phố, cổng trường học, lối vào ngõ xóm với nhiều thông điệp văn hóa giao thông ý nghĩa như: “Đã uống rượu bia, không lái xe”, “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông”, “Đội mũ cho con trọn tình cha mẹ”… Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc xử lý quyết liệt của lực lượng chức năng với tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ đã góp phần quan trọng hình thành ý thức tự giác nghiêm chỉnh tuân thủ quy định pháp luật trong nhân dân.
Sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của mọi tầng lớp nhân dân đã minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh trong xây dựng văn hóa giao thông của người Bắc Ninh. Đây là một trong những giải pháp căn cơ hữu hiệu, là “chìa khóa” bảo đảm hoạt động giao thông an toàn và góp phần tạo lập môi trường văn hóa giao thông thân thiện, nhân văn, bền vững.

Thảo - Huyền