Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

01/08/2024 22:13 Số lượt xem: 581
Là địa bàn trung tâm của tỉnh, bao thế hệ người dân thành phố Bắc Ninh đã sáng tạo, trao truyền, lưu giữ kho tàng di sản văn hóa đặc sắc, phong phú qua suốt chiều dài lịch sử quê hương, đất nước. Ngày nay, hệ thống di sản văn hóa quý báu trở thành điểm tựa, là hồn cốt, cội rễ góp phần tạo sức mạnh tinh thần to lớn cho thành phố vững bước hòa vào sự phát triển sôi động không ngừng của tỉnh và đất nước trong quá trình hội nhập toàn cầu hóa.

Thành phố Bắc Ninh hiện có 98/203 di tích được nhà nước xếp hạng, trong đó 43 di tích cấp quốc gia, 55 di tích cấp tỉnh; có 3 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia là Cột đá chùa Dạm, Cửa võng đình Diềm và 12 bia Tiến sỹ Văn miếu Bắc Ninh; có 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là lễ hội Diềm và nghi lễ, trò chơi kéo co Hữu Chấp cùng nhiều lễ hội, di tích lịch sử tiêu biểu. Đặc biệt, thành phố Bắc Ninh còn là trung tâm của không gian văn hóa Quan họ với đền thờ Vua Bà - Thủy tổ Dân ca Quan họ Bắc Ninh, có 31/44 làng Quan họ gốc và 20/150 làng Quan họ thực hành của tỉnh. Đó là nguồn tài nguyên quan trọng để thành phố phát triển du lịch...

 

Nghệ nhân Quan họ làng Bồ Sơn truyền dạy cách têm trầu cánh phượng cho liền chị Quan họ.


Xác định di tích là mảng quan trọng của di sản văn hóa vật thể và khi trở thành sản phẩm du lịch văn hóa thì giá trị khai thác lại không cạn kiệt mà ngày càng gia tăng theo thời gian. Hàng năm, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn khảo sát, lập danh mục di tích xuống cấp và ưu tiên đề nghị tỉnh tu bổ kịp thời những di tích xuống cấp nghiêm trọng. Giai đoạn 2014-2024, có 93 di tích trên địa bàn thành phố Bắc Ninh được tỉnh hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp với tổng kinh phí hơn 85 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương huy động được hơn 120 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo di tích.
Cùng với tu bổ, tôn tạo di tích, thành phố Bắc Ninh tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch, thực hiện dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Dạm và chùa Hàm Long thuộc phường Nam Sơn; dự án trùng tu, tôn tạo và quy hoạch tổng thể mặt bằng di tích lịch sử văn hóa Đền Bà Chúa Kho thuộc phường Vũ Ninh; quy hoạch khu quần thể văn hóa Thủy tổ Quan họ Bắc Ninh tại phường Hòa Long; triển khai đề án “Phục dựng phiên Chợ Âm dương trong lễ hội khu Xuân Ổ A” thuộc phường Võ Cường; đề án tăng cường đầu tư, quản lý, khai thác giá trị du lịch văn hóa lịch sử quần thể di tích khu Viêm Xá (Thủy tổ Quan họ), phường Hòa Long và đền Bà Chúa Kho, phường Vũ Ninh...
Về di sản văn hóa phi vật thể, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thu hút nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa; quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để cộng đồng, nhân dân chủ động giữ gìn và trao truyền, tham gia thực hành và trình diễn di sản thông qua hoạt động lễ hội, liên hoan, hội thi, hội diễn...; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch theo hướng bền vững, góp phần vào sự ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố.
Đối với 2 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là khu Diềm (phường Hòa Long) và đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh), thành phố Bắc Ninh chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; đa dạng hình thức tuyên truyền, quảng bá, kết nối khu, điểm du lịch, điểm di sản văn hoá; ưu tiên nguồn lực đầu tư và xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển du lịch. Bên cạnh đó chỉ đạo UBND phường Vũ Ninh, Hòa Long xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức các hoạt động và phối hợp tích cực với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, của thành phố để triển khai tổ chức liên hoan ẩm thực, xúc tiến du lịch, giới thiệu quảng bá các sản phẩm làng nghề, giới thiệu truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương...
Nỗ lực biến di sản văn hóa thành sức mạnh và đạt những kết quả quan trọng, song nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Bắc Ninh vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Công tác quản lý di tích ở một số địa phương còn lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng dẫn đến một số di tích lịch sử văn hóa xuống cấp hoặc bị xâm hại; việc gắn đầu tư với quản lý, khai thác giá trị di tích còn hạn chế. Một số di sản văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm đúng mức. Điểm du lịch vẫn còn thiếu cơ sở vui chơi giải trí tổng hợp, thiếu dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn; chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược vào phát triển tại điểm du lịch khu Thủy tổ Quan họ và đền Bà Chúa Kho...
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ mang ý nghĩa làm tròn bổn phận với cha ông, với các thế hệ mai sau mà còn định vị bản sắc trong xu thế toàn cầu hóa, tạo động lực, nội lực cho phát triển bền vững. Chính vì vậy, thành phố Bắc Ninh tiếp tục định hướng các cấp ủy, chính quyền nâng cao trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; tập trung nguồn lực, huy động xã hội hóa, phối hợp với tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cá nhân tham gia hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi giá trị văn hóa truyền thống; gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.

V.Thanh