Hành trình trở thành công dân số

28/01/2024 18:47 Số lượt xem: 459
Số hóa là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Cùng với sự quyết liệt từ phía các cơ quan công quyền, những người dân đang từng ngày nỗ lực thích ứng, tự hoàn thiện các kỹ năng công nghệ thông tin để trở thành những công dân số.

Trung tâm Hành chính công thành phố Bắc Ninh các buổi sáng luôn đông khách hàng đến làm việc. Tại quầy làm thủ tục về đất đai, sau khi hoàn tất việc cập nhật các loại giấy tờ cần thiết trên phần mềm theo quy định để làm hồ sơ thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, anh Trần Trung Hiếu ở Võ Cường, thành phố Bắc Ninh vui vẻ cho biết: Máy móc thiết bị tốt, công chức tại bộ phận một cửa hướng dẫn nhiệt tình nên tôi cũng không gặp khó khăn gì.
Bên cạnh đó, tại quầy làm thủ tục lĩnh vực Tư pháp, một thanh niên đang scan giấy tờ theo quy định, một người trung niên có vẻ khá căng thẳng ngồi bên cạnh. Sau khi hoàn tất thủ tục cho khách hàng, chị Đàm Thị Hoa, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch tại bộ phận một cửa cho biết: Trước kia, công dân chỉ cần cầm bản chính đến bộ phận một cửa và giải quyết thủ tục bằng bản giấy. Nay, theo quy định mới việc chứng thực bản sao được thực hiện qua tài khoản điện tử, một số người lớn tuổi không rành công nghệ không yên tâm nên phải nhờ con, cháu đi cùng để giúp đỡ như là bác khách hàng vừa rồi. So với trước đây, việc thực hiện thủ tục hành chính online hiện nay tốn thời gian hơn rất nhiều. Với những người trẻ thì chỉ cần hướng dẫn 1 lần là họ có thể tự làm được nhưng với những người đã lớn tuổi, không rành công nghệ thì khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, với mục đích tiến tới hiện đại hóa nền hành chính thì khó cũng vẫn phải làm. Chính vì vậy, cán bộ tại Trung tâm Hành chính công đều phải cố gắng hướng dẫn cho nhân dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính.
Một bữa nọ, tại chợ Yên, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tôi đỗ lại định mua một ít hoa quả nhưng chợt nhớ không mang theo ví. Cô bán hàng lôi lả giữ tôi lại, rồi cô chạy sang hàng bên cạnh mượn cái bảng mã QR mang về: “Chị cứ quét vào đây sau em bảo bác ý đưa em tiền mặt. Em đặt rồi, vài ngày nữa là sẽ có mã QR. Thời buổi này cứ phải cập nhật chứ không thì mất hết khách dùng điện thoại thanh toán như các chị”.

 

Cán bộ tại Trung tâm Hành chính công thành phố Bắc Ninh tận tình hướng dẫn công dân sử dụng phần mềm giải quyết thủ tục hành chính.


Với một số người dân, ứng dụng công nghệ thông tin là việc rất khó khăn. Thế nhưng với không ít người, nhất là những người trẻ, việc ứng dụng công nghệ thông tin lại vô cùng thuận lợi. Tuy nhiên, dù dễ hay khó, dù muốn hay không thì việc ứng dụng công nghệ thông tin là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
Để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, chính quyền các cấp đã tích cực thực hiện các biện pháp. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch về chuyển đổi số. Tiêu biểu, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 52-NQ/TU ngày 18-3-2022 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đề ra một trong những mục tiêu quan trọng là “hình thành và phát triển môi trường số an toàn, góp phần đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành của cơ quan đảng, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan nhà nước”.
Các ngành, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đều tích cực thực hiện chuyển đổi số. Tiêu biểu, Sở Thông tin-Truyền thông đã tham mưu tỉnh triển khai Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, là phần mềm nền tảng được bảo mật cao cung cấp cho khối chính quyền ở 3 cấp với hơn 18.000 tài khoản sử dụng và liên thông với khối các cơ quan Đảng ở 3 cấp với hơn 1.300 tài khoản. Phần mềm giúp lãnh đạo cấp ủy, chính quyền 3 cấp chỉ đạo, điều hành công việc mọi lúc, mọi nơi trên môi trường mạng được thuận lợi. Khai thác, sử dụng tốt phần mềm giúp các cơ quan, đơn vị chuyển từ “Văn phòng giấy tờ” sang “Văn phòng ít giấy tờ, tiến tới không giấy tờ”; kiểm soát tình hình hoạt động công vụ của cán bộ, công chức trong đơn vị thông qua dữ liệu tác nghiệp, xử lý văn bản trên phần mềm; chuyển từ lưu trữ hồ sơ công việc giấy truyền thống sang lưu trữ điện tử tiết kiệm, thuận tiện cho việc tìm kiếm, tra cứu lâu dài... Trong lĩnh vực tư pháp, công tác số hóa hồ sơ hộ tịch đến nay đã hoàn thành 2/3 số lượng dữ liệu hộ tịch, hiện còn 1/3 dữ liệu, Sở Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị liên quan trình cấp có thẩm quyền và sẽ triển khai thực hiện ngay sau khi được phê duyệt, đảm bảo đến năm 2025. 100% dữ liệu hộ tịch trên địa bàn được số hóa theo lộ trình được giao tại Đề án của Bộ Tư pháp và Kế hoạch của UBND tỉnh...
Song song với các giải pháp kỹ thuật, hành chính, các cấp ủy Đảng, chính quyền tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân để tạo đồng thuận trong thực hiện chuyển đổi số. Những kết quả đạt được thời gian qua cho thấy công cuộc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh sẽ đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Vân Giang